Nhiều đường độc đạo cũng tôn tạo để thu phí BOT, bảo sao dân không bức xúc?

ANTD.VN -Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, theo quy định, khi đặt trạm thu phí BOT phải tham khảo ý kiến người dân nhưng việc này không làm đến nơi đến chốn gây ra nhiều bức xúc, đỉnh điểm là chuyện xảy ra ở trạm Cai Lậy (Tiền Giang) mấy ngày qua…

Sáng nay, 15-8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về cơ bản, báo cáo giám sát này khẳng định, nhờ có chủ trương đầu tư theo hình thức BOT mà diện mạo về hệ thống giao thông tại Việt Nam đã có sự chuyển biến rõ rệt, là hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế và phục vụ tốt hơn nhu cầu tham gia giao thông của người dân.

Dù vậy, báo cáo cũng chỉ ra tới 13 vấn đề hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các dự án BOT vừa qua, đặc biệt là những bất cập quanh việc đặt trạm thu phí và mức thu phí đường BOT.

Theo thống kê của Đoàn giám sát, hiện nay cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60 - 70km do địa hình vị trí đặt trạm đảm bảo 70km không thuận lợi. Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách nhỏ hơn 60km...Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng một tuyến đường phải bảo đảm tối thiểu 70km.

Cho ý kiến vào vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu còn chỉ ra thêm một tồn tại khác, đó là có những con đường độc đạo do cha ông để lại nhưng giờ tôn tạo lại và vẫn thu phí, nhiều đoạn đường rất ngắn nhưng vẫn làm theo hình thức BOT... nên dân bức xúc là tất yếu.

Để giải quyết vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề xuất cân nhắc lại việc thu phí trên những tuyến đường độc đạo. Trường hợp cần thiết thì mở tuyến đường mới có thu phí bên cạnh tuyến đường cũ để người dân lựa chọn.

Tương tự, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, khoảng cách đặt trạm và mức thu phí BOT hiện có nhiều bất cập, trong đó có nguyên nhân do khâu quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước chưa tốt. Ở đây có vấn đề là thiếu công khai minh bạch. Ví dụ quy định khi đặt trạm phải tham khảo ý kiến người dân, nhưng việc này làm không đến nơi đến chốn, hỏi sao dân không bức xúc.

Nhắc tới thực tế đáng buồn ở Trạm thu phí Cai Lậy xảy ra những ngày gần đây, khi người dân phản ứng bằng cách sử dụng toàn tiền lẻ trả phí, khiến giao thông bị ách tắc, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần làm rõ thêm những vấn đề này, nêu rõ nguyên nhân và cách khắc phục để tránh tái diễn.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh thêm vấn đề kiểm tra, kiểm toán để xử lý nghiêm sai phạm, bảo đảm tính minh bạch, bình đẳng; đồng thời yêu cầu phải rà soát lại các trạm thu phí BOT, các trạm không đảm bảo tối thiểu 70 km như quy định thì nhà nước phải mua lại, tránh gây bức xúc cho dân.