"Nhiều đoàn thanh tra lễ hội là để đi lễ, để khen nhau?"

ANTD.VN -Sáng 24-2-2017, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Những “điểm nóng” lễ hội được phân tích mổ xẻ, những đồng thuận cả những trái chiều phản biện được thẳng thắn chia sẻ, khiến cho không khí cuộc họp nóng ngay từ phút ban đầu.

Vẫn loay hoay quản lý

Trước mùa hội 2017, từng có một cuộc họp diễn ra nhằm giảm thiểu những hành vi bạo lực, tranh cướp ở Hội phết Hiền Quan, nhưng rồi, vỡ kế hoạch bởi dân quanh vùng đến rất đông và không tuân thủ luật chơi lành mạnh.

Ông Nguyễn Đức Thủy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ, cho biết, trước lễ hội, huyện đã tăng cường lực lượng an ninh, nhưng rồi quá đông thanh niên và người dân vùng khác ham gia tranh cướp làm ảnh hưởng chung của lễ hội.

Ông Thủy giải thích, mặc dù việc tranh cướp nhìn phản cảm, nhưng lại không hề phản cảm, việc giơ tay lên là để ra ký hiệu tranh phết, không phải để đánh nhau. Bên cạnh đó, ông Thủy cũng yêu cầu báo chí tiếp cận đúng bản chất lễ hội.

Cướp phết đã trở thành một trận "thủy chiến"

Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, thì năm nào lễ hội cũng diễn ra, năm nào cũng chấn chỉnh, thanh tra kiểm tra nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Trách nhiệm của ai, sai ở chỗ nào, phải chỉ rõ ra, nếu không những người tổ chức lễ hội rất buồn vì con sâu bỏ rầu nồi canh.

Ông Tô Văn Động thẳng thắn: “Có quá nhiều đoàn thanh tra, nhưng cơ bản xuống cơ sở là khen. Đoàn trước xuống khen mà đoàn sau xuống chê là bị phản ứng. Nhiều đoàn thanh tra lễ hội thực ra là để đi lễ, để khen nhau. Cứ khen thế thì rất khó cho những đoàn xuống làm việc thực sự, khó cho cả việc quản lý”.

Ý kiến thẳng thắng và “đụng chạm” nói trên của ông Tô Văn Động khiến bầu không khí cuộc họp trở lên sôi động hơn.

Chưa dừng ở đó, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhấn mạnh về những mâu thuẫn trong quan điểm bảo tồn và phát triển khiến những người làm quản lý như ông thực sự khó xoay trở: “Người làm văn hóa bao giờ cũng muốn bảo tồn giá trị truyền thống, trong khi truyền thống lễ hội lại có cướp lộc. Vì thế, cái gì bỏ, cái gì phát huy phải được làm rõ. Có nhiều ý kiến cho rằng, trả lễ hội về cho chủ thể quản lý và thụ hưởng (cộng đồng dân cư). Nhưng chủ thể bảo phải cướp lộc, chứ phát lộc không thì không lấy. Thế thì làm thế nào? Chúng tôi rất mong Bộ chỉ đạo sát sao để Sở kiên quyết”.

Khẳng định, Lễ hội đền Sóc- Sóc Sơn năm nay làm tốt hơn nhiều so với các năm trước, thế nhưng Giám đốc Sở VHTT Hà Nội vẫn cho biết: “Chúng tôi xin phép nếu báo chí nhắc nhở nhiều thì xin năm sau phát lộc chứ không có cướp”.

“Mất ăn mất ngủ vì lễ hội”

Đó là lời cảm thán của ông Nguyễn Vũ Phan, quyền Giám đốc Sở VHTT&DL Tuyên Quang: “Trước tết chúng tôi đã phải tính, sau tết vẫn tính, trong khi Thanh tra Văn hóa của Tuyên Quang có 3 người phục vụ 30 lễ hội. Tôi yêu cầu dừng lễ hội chọi trâu, nhưng không thể dừng, vì ảnh hưởng tới tính mạng người làm công tác quản lý. Tâm lý đám đông rất nguy hiểm. Cũng phải tính đến việc tổ chức lễ hội như thế nào cho phù hợp. Người tham gia lễ hội điều bình đẳng trước thần linh, thế nhưng chờ đại biểu thắp hương xong, rồi chờ đại biểu nhận ấn, đám đông cả vạn con người chờ vạ vật vòng ngoài nhiều giờ mới ước mở cửa cho vào làm lễ, nên mới xảy ra chen lấn xô đẩy. Ý tôi là lãnh đạo, đại biểu phải làm gương”.

Cũng là chọi trâu, sao có chỗ là di sản, chỗ bị gọi là bạo lực?

Ông Nguyễn Vũ Phan đề nghị Bộ VHTT&DL đưa ra danh mục, lễ hội nào cấm, lễ hội nào không. Ví như, như chọi trâu thì cấm toàn quốc, không thể để chỗ này cho chọi chỗ kia cấm. Chọi là chọi, làm gì có chuyện 2 con trâu đối đầu vào nhau. Tại sao có chỗ gọi chọi trâu là di sản, có chỗ thì bảo là bạo lực? Phải làm rõ, vì “chúng tôi giải thích với bà con, họ không chịu”.

Ông Phan bày tỏ quan điểm: “Chọi trâu bán thịt là bình thường. Tâm lý là bán rất đắt, rất được giá. Con trâu giờ không phải đầu cơ nghiệp mà là hàng hóa, có ai bắt mua đâu. Ông thích ăn miếng thịt trâu chọi mà ngon, non tơ như thế, thì bỏ ra 1 triệu đồng là đúng rồi. Vì thế phải tính cơ chế phù hợp thị trường.

Thịt trâu được bán sau mỗi hội chọi trâu thường có giá rất cao

Đại diện lãnh đạo Sở VHTT&DL Bắc Ninh lại cho rằng, việc quan họ quyên tiền cũng là chính đáng vì bây giờ vào rạp xem phim phải mất tiền mua vé, đi nghe nhạc cũng mất tiền mua vé, còn ở hội Lim các nghệ nhân lặn lội mấy chục cây số đến hát phục vụ người đi hội mà lại cấm họ nhận tiền. Thế họ uống nước lã hát phục vụ à? Bên cạnh đó, đại diện Bắc Ninh cũng yêu cầu Bộ xây dựng một số mô hình quản lý “nét” để địa phương học tập.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò truyền thông, cần nhân lên những việc tốt, góp ý cho những việc chưa tốt trong lễ hội, chứ đừng vùi dập rồi thì thui chột hết cả.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Hồng Lý - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian khẳng định, chúng ta vẫn nói sở dĩ một số lễ hội phản cảm là do kinh tế thị trường, nhưng rõ ràng là tại chúng ta chứ không phải do lễ hội xấu.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trong quá trình phát triển đương nhiên nảy sinh ra nhiều vấn đề. Sẽ còn nhiều tồn tại và chúng ta vẫn phải tiếp tục xử lý. Có tình huống xuất hiện do tâm lý đám đông nên không thể đón biết được cái gì ngày mai sẽ xảy ra. Chính vì thế, một trong những yêu cầu đặt ra là phải xem lại chất lượng thanh tra kiểm tra như thế nào, cần đề nghị thanh tra Bộ xem thử mình cần rút kinh nghiệm cái gì. Bộ VHTT&DL là cơ quan chịu trách nhiệm chung còn các ngành khác liên quan phải phối hợp. Cần phải phần định rõ trách nhiệm, trách nhiệm cụ thể của các ngành, địa phương. Nếu không sẽ chẳng bao giờ khắc phục được. Không dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt với văn hóa người dân, phải vận động phải thuyết phục. Khi thuyết phục chín muồi thì mới kết hợp mệnh lệnh hành chính.

“Trong bóng đá có vi phạm gì là phạt, phạt tiền, tôi nghĩ lễ hội cũng phải phạt, phạt tiền và trách nhiệm, ví như cấm không tổ chức. Thú thật là chúng ta cũng chưa nghiêm khắc với việc tổ chức lễ hội đâu”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn nhận xét.