Nguy cơ thâm thủng quỹ

ANTD.VN - Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã có trên 46,7 triệu hồ sơ đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), với số tiền lên tới trên 17.000 tỷ đồng. 

Hệ thống điện tử tự động đã phát hiện và từ chối hơn 10% hồ sơ đề nghị thanh toán gần 3.000 tỷ đồng do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng. Đây chỉ là phần nổi của “tảng băng” lạm dụng trục lợi từ BHYT đã diễn ra không chỉ ở các bệnh viện trên cả nước mà cả từ phía người mua thẻ.

Con số công bố của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam khiến dư luận xã hội không khỏi giật mình. Hàng nghìn người đã thành “nghề” đi khám bệnh, kể cả ngày nghỉ, lễ tết để kiếm tiền.

Thậm chí hàng trăm người thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh với số tiền trên 7,7 tỷ đồng. Vô lý đến mức, một người bệnh trong một ngày đi khám tại vài cơ sở nhưng có kết quả xét nghiệm khác nhau và cách điều trị khác nhau. Trong khi đó, không ít bệnh viện ở thành phố lớn và một số địa phương cùng sử dụng những “chiêu trò” nhằm trục lợi Quỹ BHYT được ví như “chùm khế ngọt”.

Đơn cử như kéo dài thời gian nằm điều trị tại bệnh viện để hưởng chênh lệch tiền giường, thuốc men. Việc lạm dụng kỹ thuật, thiết bị y tế hiện đại cũng là “thủ thuật” được áp dụng để tăng chi phí dịch vụ y tế. Đại diện Bộ Y tế thừa nhận mặt trái của xã hội hóa y tế là tình trạng doanh nghiệp “bắt tay” với bệnh viện nhập khẩu máy móc, thiết bị y tế đã qua sử dụng gây nhiều hệ lụy cho công tác khám chữa bệnh.

Thực trạng này phần lớn là do gian lận thương mại. Nhiều trường hợp báo giá máy mới nhưng lại nhập máy cũ rồi đặt vào trong bệnh viện để khai thác sử dụng. Máy cũ khi thực hiện các xét nghiệm, tất nhiên sẽ tiêu hao hóa chất nhiều hơn so với máy cũ. Hậu quả là người bệnh phải gánh chi phí, chịu nhiều thiệt thòi. Song, cuối cùng đều “trút” vào Quỹ BHYT dẫn đến tình trạng thâm thủng hàng trăm tỷ đồng.

Đại diện cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng trục lợi BHYT chính là chưa có cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện hoặc cá nhân nào bị xử lý nghiêm khắc trước pháp luật. Trong khi đó, cơ chế quản lý lại bất hợp lý, bởi một bên cung cấp dịch vụ y tế (bệnh viện), một bên hưởng dịch vụ (người bệnh), một bên chi trả dịch vụ (BHYT), vì thế rất khó xử lý đến nơi đến chốn. Nguy cơ thâm thủng Quỹ BHYT đã quá rõ nếu không có biện pháp quyết liệt, triệt để.