Nguy cơ chết người từ xe chở cồng kềnh, quá tải

ANTD.VN -Chiều 23-9 tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cháu  H, 9 tuổi khi đang đạp xe nô đùa cùng bạn đã đâm thẳng vào xe xích lô chở tôn đỗ bên đường nên bị miếng tôn cứa ngang cổ gây tử vong. Đáng buồn, đây không phải sự việc hi hữu.

Những cái chết đau lòng

Cách đây không lâu, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã bác đơn kháng cáo và tuyên y án 2 năm tù đối với Nguyễn Trí Dũng (32 tuổi, ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Dù không có giấy phép lái xe nhưng Dũng điều khiển xe ba gác chở 4 cây sắt dài 12m băng qua đường. Do trời tối anh Trần Văn S đã điều khiển xe máy đâm vào 2 cây sắt trên ngã xuống đường và tử vong tại chỗ. Còn tại đường Điện Biên Phủ, TP. Đà Nẵng,  2 nữ sinh viên Trịnh Thị Tố U (SN 1994) và Lê Thị Nguyên H (SN 1994) cũng đã mất mạng khi tham gia giao thông trên tuyến đường này. Nguyên nhân gián tiếp gây tai nạn là do một xe máy chở hàng cồng kềnh va quệt vào xe máy của 2 sinh viên trên làm họ ngã xuống đường và bị xe tải cán phải.

Mặc dù đã có không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người xảy ra, song tình trạng xe máy, xích lô, xe ba bánh chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường vẫn diễn ra phổ biến. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh trên một chiếc xe máy có một người ngồi phía trước, người lái ngồi giữa còn phía sau là những khối hàng hóa cồng kềnh không những chiếm gần hết diện tích chiếc xe mà còn trùm cả ra ngoài. Do bị hàng hóa chiếm chỗ nên người điều khiển xe máy  buộc phải ngồi với tư thế không bình thường như thân bị áp sát tay lái hoặc gập người xuống nên gặp khó khăn khi điều khiển xe.

Hình ảnh dễ bắt gặp trên các tuyến đường của Thủ đô

Theo khảo sát của phóng viên ANTĐ, hàng hóa được chở rất đa dạng, từ thực phẩm, chăn chiếu, quần áo đến đồ dùng trong gia đình (bàn, ghế, ti vi, tủ lạnh…) đến chậu hoa cây cảnh, khung cửa, sắt thép, tôn, kính. Điều đáng nói là hầu hết phương tiện chở hàng khá cũ, không có đầy đủ các bộ phận để đảm bảo an toàn song lại bị “cơi nới” quá mức để chở hàng…càng nhiều càng tốt! Việc chở theo hàng hóa cồng kềnh có kích thước lớn đã khiến khả năng quan sát đường của lái xe và những người tham gia giao thông khác bị hạn chế.  Người chở hàng rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp thời trước những tình huống phát sinh trên đường nên đã gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người đi đường.

Người vi phạm có thể bị phạt tù

  “Khoản 1 Điều 20 Luật Giao thông đường bộ 2008 đã nêu rõ, khi lưu thông trên đường, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe” – Luật sư Nguyễn Thành Trung – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Còn theo Điều 18 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2m.  Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1m. Như vậy, khi người điều khiển xe máy vượt quá giới hạn xếp hàng hóa trên xe như quy định trên thì đã phạm lỗi “xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định”. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 200.000-400.000 đồng theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cũng theo Luật sư Thành Trung, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Theo đó, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Không có giấy phép hoặc bằng lái xe; Gây tai nạn rồi bỏ hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn…thì bị phạt tù từ 3-10 năm.