Ngăn "chảy máu chất xám"

ANTD.VN - Có một hiện tượng đang diễn ra khá “âm thầm” trong ngành y tế, đó là tình trạng bác sĩ có tay nghề cao, uy tín hoặc nhân viên y tế có thâm niên, kinh nghiệm, lần lượt bỏ việc trong các bệnh viện công “nhảy” sang các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân. Vì sao có nghịch lý và nghịch cảnh này?

Kết quả kiểm soát của Bảo hiểm xã hội vừa tiến hành đã ghi nhận chi phí cho khám chữa bệnh BHYT tại nhiều địa phương tăng cao, trung bình 15-17%, trong đó nhiều nơi tăng bất thường tới gần 50%.

Thống kê cũng cho thấy tình trạng tăng đột biến số lượt điều trị nội trú và gia tăng chi phí tại các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và cơ sở y tế tư nhân. Một số bệnh viện tuyến huyện có mức tăng chi phí nội trú từ 75-132%.

Thậm chí có bệnh viện tư nhân có mức tăng “khủng” từ 200-348%. Không cần trong ngành y cũng có thể thấy ngay những mức tăng này giúp tăng nguồn thu của bệnh viện, đồng nghĩa với tăng thu nhập, tăng lương của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế trong các bệnh viện, phòng khám tư nhân. 

Tuy nhiên, với chủ trương tăng giá hàng trăm dịch vụ y tế, tính đúng, tính đủ vào doanh thu và tiền lương của cán bộ, nhân viên bệnh viện, rõ ràng tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế không chỉ bắt nguồn từ chuyện lương bổng.

Vì thực tế trước đây, các bệnh viện tư nhân đã “trải thảm” mời gọi các thầy thuốc giỏi, đầu ngành, đầu khoa tới làm việc với nhiều khoản ưu đãi hết sức hấp dẫn; cùng với đó là trang thiết bị y tế, điều kiện làm việc không hề thua kém bệnh viện công, thậm chí nhiều bệnh viện tư còn bỏ tiền đầu tư rất lớn, song chừng đó chưa đủ sức lôi kéo những y bác sĩ có tiếng vốn có lượng bệnh nhân quen khá đông đúc.

Vậy nguyên nhân sâu xa nào khiến họ “dứt áo” ra đi? Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, “làn sóng” rời bỏ bệnh viện công chuyển sang tư đang lặng lẽ diễn ra tại nhiều tỉnh, thành cả nước. Nguyên nhân chính, theo giới chuyên gia và bản thân những người trong cuộc đều thừa nhận rằng, áp lực làm việc cùng tình trạng quá tải bệnh nhân trong các bệnh viện công dù có giảm đôi chút, nhưng vẫn là một gánh nặng rất lớn chưa thể chuyển biến ngày một, ngày hai.

Theo thống kê tại các bệnh viện lớn, nhất là các chuyên khoa, trung bình một bác sĩ phải khám cho 150-200 người bệnh/ngày. Đó là chưa kể vào mùa dịch bệnh hoặc những địa phương thiếu điều kiện chăm sóc cộng đồng. Hơn thế, những “tai nạn” nghề nghiệp, những “sự cố” y tế thường dẫn đến nhiều vụ việc bất an cho người thầy thuốc như đã từng xảy ra.

“Chảy máu chất xám” tại các bệnh viện không chỉ là nỗi lo của riêng ngành y, nó còn là nỗi lo chung của cả xã hội, làm cách nào hạn chế, ngăn chặn dòng chảy này?