"Nếu như Bộ trưởng ngại thì báo cáo để Thủ tướng lên tiếng chỉ đạo"

ANTD.VN - Sáng nay, 14-2, trong cuộc họp với Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tới lãnh đạo Bộ VHTT&DL. Đồng thời yêu cầu lên tiếng xung quanh những tiêu cực, bạo lực phản cảm tại các lễ hội vừa diễn ra đầu năm 2017.    

Trong buổi làm việc, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt lại 5 vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL giải trình. Đầu tiên là công tác tổ chức lễ hội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu không được sử dụng xe công, dùng giờ hành chính đi lễ hội. Đặc biệt, lễ hội đang bị lợi dụng, có lợi ích nhóm, thương mại hóa. Một số lễ hội lớn, thời gian kéo dài nhưng tổ chức manh mún, thiếu sự quản lý từ địa phương. Nhiều hiện tượng phản cảm trong lễ hội như cướp lộc tại hội Gióng (Hà Nội), cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), treo trâu ở hội đền Đông Cuông (Yên Bái)… thời gian qua, báo chí lên tiếng phản ánh rất nhiều. Hình ảnh người dân lao vào tranh cướp trong lễ hội, nhà sư thản nhiên đứng trên bục ban phát lộc… rõ ràng “rất có vấn đề”.

Dù đã có kịch bản nhưng hội cướp phết 2017 vẫn hỗn loạn

“Thủ tướng có nói với tôi truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng, những cái đó, sao cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ VH-TT&DL có vẻ chìm lắng, không lên tiếng, không phản hồi. Những việc này có liên quan đến ý thức của người dân, người tham gia lễ hội. Vấn đề giáo dục ý thức là do cơ quan quản lý Nhà nước. Thủ tướng nói là, nếu như Bộ trưởng ngại, thì Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng lên tiếng, chỉ đạo bằng văn bản. Bộ Văn hóa đã không có bất cứ một báo cáo nào”- Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm.

Tiếp đến, Thủ tướng đề nghị kiểm tra kết luận tại Hội nghị du lịch Hội An. Việc du khách đến rồi đi không trở lại, dịch vụ yếu kém, chặt chém du khách đã triển khai đến đâu? Trong bối cảnh hội nhập mà nơi này nơi kia treo biển cấm du khách Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Điều này, Bộ VH-TT&DL cũng cần lên tiếng.

Vấn đề thứ 3 là công tác đào tạo vận động viên trẻ, những tiêu cực trong thể thao, đặc biệt là bóng đá cần khắc phục.

Vấn đề thứ 4 là công tác bảo tồn di tích, trang trí đường phố cần quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Cuối cùng là công tác nghệ thuật biểu diễn, công tác phong danh hiệu nghệ sĩ. Đối với các nghệ sĩ có sức lan tỏa lớn như nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn…tại sao lại không được trao tặng danh hiệu, lý do là gì? Khi dư luận quan tâm thì phải giải thích, vướng mắc, băn khoăn phải báo cáo, nhưng tại sao Bộ lại không báo cáo?.  “Nếu Chính phủ giao nhiệm vụ không đúng Văn phòng Chính phủ sẵn sàng nhận lỗi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.

Những biến tướng trong lễ hội cần phải điều chỉnh

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, tình hình lễ hội năm nay nhìn chung là tương đối ổn. Có một vài nơi xảy ra xô xát tuy nhưng nhanh chóng được giải quyết. Tuy nhiên, có một rào cản đó là khi Bộ đề nghị các địa phương không tổ chức lễ hội mang tính phản cảm, nhiều địa phương lại phản ứng dữ dội, “vì cho đó là truyền thống, không bỏ được”. Một số hoạt động như chọi trâu, đá gà… trước đây là trò chơi dân gian, pháp luật không cấm nhưng sau này nảy sinh hiện tượng biến tướng ăn tiền, nhất định phải điều chỉnh.

Trong quá trình Thứ trưởng Huỳnh  Vĩnh Ái phát biểu về những công việc mà Bộ VHTT&DL đã và chưa hoàn thành đúng hạn định, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ngắt lời và cho biết, ông kiên quyết không nghe báo cáo thiếu cụ thể, bởi đây không phải cuộc họp của ban thi đua khen thưởng nên cũng không cần báo cáo thành tích.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, lễ hội năm nào cũng nảy sinh vấn đề, không vấn đề này thì vấn đề khác. Bởi vậy không thể giải quyết ngày một ngày hai. Quan điểm của Bộ là lễ hội năm sau phải tổ chức tốt hơn năm trước, những tồn tại của năm trước thì năm sau phải giải quyết. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị cần hoàn thiện các chế tài xử lý hành vi, biểu hiện trái pháp luật trong lễ hội, đồng thời cho biết Bộ VHTT&DL sẽ sớm tổ chức sơ kết về tình hình tổ chức lễ hội nhằm đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc những mặt còn tồn đọng trong lễ hội.