- Làm thêm giờ vào ngày nào thì được trả lương theo ngày đó
- Nhiều việc làm bán thời gian cho sinh viên dịp Tết 2018
Theo Báo cáo tổng kết đánh giá 3 năm thi hành Bộ luật Lao động 2012 của Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng doanh nghiệp tổ chức làm thêm quá số giờ quy định diễn ra phổ biến trong các ngành nghề như may mặc, chế biến thủy sản, gia công hàng xuất khẩu.
Ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Phước, Bắc Ninh, Hải Dương còn cho thấy một thực tế rằng hầu hết các doanh nghiệp đều tận dụng tối đa số giờ làm thêm được luật cho phép (200 hoặc 300 giờ/năm), riêng ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ vượt quá gấp hai hoặc ba lần mà luật cho phép, có nơi người lao động làm việc liên tục từ 10 - 12 giờ/ngày trong thời gian dài.
Dệt may là một trong những ngành đề xuất nới quy định về thời giờ làm thêm
Lý giải nguyên nhân việc làm thêm giờ vượt quá thời gian pháp luật quy định, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Mai Đức Thiện cho biết, theo quy định hiện hành, tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.
Các doanh nghiệp sản xuất, gia công phụ thuộc vào yêu cầu về thời gian của các đơn đặt hàng từ nước ngoài nên dẫn tới tình trạng có lúc thì người lao động không có việc làm lúc thì lại phải huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định thì mới có thể giải quyết các đơn hàng của khách.
Theo cơ quan soạn thảo, lần sửa đổi này có rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp đề nghị tăng thời giờ làm thêm. Hằng năm tại các diễn đàn doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất tăng thời giờ làm thêm tối đa của người lao động lên 500 giờ/năm để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Qua theo dõi, khảo sát ở các địa phương thì một bộ phận không nhỏ người lao động cũng mong muốn được làm thêm giờ để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ theo tháng vì việc quy định như vậy là cứng nhắc, không phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng hóa, chế biến thủy sản để xuất khẩu vốn phụ thuộc vào đơn hàng và mùa vụ kinh doanh.
Sau khi nghiên cứu, so sánh với các quốc gia khu vực thì số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Trung Quốc: 36 giờ/tháng, Indonesia: 56 giờ/tháng, Singapore: 72 giờ/tháng, Malaysia: 104 giờ/tháng, Lào: 45 giờ/tháng, Campuchia và Philippines: không khống chế, Báo cáo đánh giá tác động của việc thay đổi chính sách khuyến nghị tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động trong 1 năm lên mức 400 giờ, đồng thời bỏ quy định giới hạn làm thêm giờ theo tháng và khống chế số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.