“Nâng đời” khu tập thể cũ: Khó đủ đường!

(ANTĐ) - Nhiều dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội chậm tiến độ vì quy hoạch lập ra chờ mãi chưa được duyệt. ở một vài dự án khác, dù đã vượt qua được “cửa ải” đầu tiên là quy hoạch, chủ đầu tư và chính quyền địa phương lại vướng về quỹ nhà tái định cư và khả năng cân đối kinh tế của dự án.

“Nâng đời” khu tập thể cũ: Khó đủ đường!

(ANTĐ) - Nhiều dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội chậm tiến độ vì quy hoạch lập ra chờ mãi chưa được duyệt. ở một vài dự án khác, dù đã vượt qua được “cửa ải” đầu tiên là quy hoạch, chủ đầu tư và chính quyền địa phương lại vướng về quỹ nhà tái định cư và khả năng cân đối kinh tế của dự án.

Còn rất lâu mới có thể chấm dứt tình trạng nhếch nhác tại các khu tập thể cũ ở Hà Nội
Còn rất lâu mới có thể chấm dứt tình trạng nhếch nhác tại các khu tập thể cũ ở Hà Nội

Nằm chờ... quy hoạch

Lo lắng vì kỳ hạn năm 2015 (là năm phải hoàn thành cải tạo chung cư cũ trên toàn thành phố theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội) sắp tới mà các dự án lớn vẫn nằm im, Sở Xây dựng Hà Nội vừa đề nghị UBND TP mạnh tay thu hồi nhiệm vụ đã giao cho một số đơn vị tham gia nghiên cứu lập quy hoạch, lập dự án cải tạo chung cư cũ nhưng tiến độ thực hiện chậm so với yêu cầu. Những đơn vị có tên trong danh sách đề xuất có những dự án lớn như cải tạo, xây dựng lại khu A-B Ngọc Khánh; cải tạo khu tập thể Văn Chương...

Cho rằng dự án chậm không phải do doanh nghiệp thờ ơ, ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội), chủ đầu tư dự án cải tạo khu tập thể Văn Chương, phân bua: “Quy hoạch chúng tôi đã đề xuất từ rất lâu rồi nhưng còn đang chờ duyệt. Nếu chưa xong quy hoạch thì không tài nào triển khai các khâu tiếp theo được. Dự án này công ty tốn bao công sức từ 5-6 năm nay sao có thể nói chúng tôi bỏ bê hay không muốn làm”.

Thừa nhận dự án đình trệ do những vướng mắc về quy hoạch và cơ chế tái định cư, ông Nguyễn Chí Sỹ cho biết, chủ đầu tư đã lập và đề xuất thành phố phê duyệt đồ án quy hoạch 1/500 với các chỉ tiêu như mật độ xây dựng 42,4%; tầng cao trung bình từ 2-25 tầng; hệ số sử dụng đất 4,9 lần... Đồng thời, chủ đầu tư cũng đề nghị mở rộng và chỉnh trang các tuyến phố nối khu tập thể Văn Chương với đường Tôn Đức Thắng và đường Khâm Thiên để khớp nối hệ thống hạ tầng, đảm bảo thuận tiện và không bị ách tắc về giao thông cho khu vực dự án. Song, những gì đề xuất lại xung đột với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 của quận Đống Đa (duyệt từ năm 2000) nên quy hoạch của dự án vẫn trong trạng thái... chờ xem xét.

Nhấn mạnh việc khai thông ách tắc quy hoạch cho các dự án, ông Nguyễn Chí Sỹ nói: “Nếu phương án quy hoạch sớm ngã ngũ thì dự án sẽ được triển khai rất nhanh. Vài năm trước, vướng mắc quy hoạch rất khó giải quyết nhưng cùng với Nghị quyết 34/NQ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp, nút thắt này đã có hướng mở để giải quyết...”.

Đau đầu với GPMB

Khác với những dự án cải tạo chung cư cũ khác, dự án khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được lập quy hoạch và UBND TP đã phê duyệt. Quy hoạch này cũng đã công bố công khai đầu năm 2009. Thế nhưng khi bắt tay vào GPMB, chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 7) và chính quyền địa phương lại gặp khó khăn khác. Diện tích hiện trạng căn hộ đang sinh sống rất nhỏ, chỉ khoảng 20m2/hộ nhưng nhu cầu diện tích căn hộ tái định cư rất lớn, với khoảng 90% có nguyện vọng căn hộ tái định cư diện tích 75-80m2.

Chỉ tính riêng 2 đơn nguyên nhà A1 và A2 (đang tiến hành GPMB), số căn hộ dành cho tái định cư lên tới 292 căn, tăng khoảng 90 căn so với thời điểm điều tra xã hội học trước đó. Trong khi, xây dựng lại xong 2 khu nhà này cũng chỉ được tổng cộng 300 căn hộ. Ông Trần Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 7 cho biết, mật độ xây dựng hiện trạng dày đặc, lên tới 70%, trong khi mật độ xây dựng sau quy hoạch khoảng 40% làm cho dự án đứng trước nguy cơ mất cân đối tài chính. Theo phương án quy hoạch được duyệt, tổng diện tích sàn xây dựng mới ở dự án là 340.000m2. Sau khi tái định cư, trả lại diện tích công cộng, dịch vụ, thương mại... chủ đầu tư còn khoảng 56.000m2 để cân đối thu-chi dự án. Như vậy, toàn bộ dự án mất cân đối 2.640 tỷ đồng!

Để giải bài toán này, có ý kiến đề nghị hạn chế tái định cư tại chỗ, bố trí tái định tại nơi mới có điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên, đề nghị này khó khả thi, vì nơi ở mới được coi là tốt hơn phụ thuộc nhiều yếu tố, không đơn thuần là diện tích lớn hơn hay hạ tầng tốt hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh chênh lệch giá đất giữa khu vực được coi là trung tâm với các khu vực khác khá lớn, người dân càng khó chấp thuận phương án tái định cư tại nơi khác.

Hiện nay, giải pháp đề xuất tháo gỡ là thành phố hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xã hội thiết yếu trong dự án, chi phí lãi suất, chi phí chuẩn bị đầu tư hoặc bằng các dự án khác. Tuy nhiên, những hình thức hỗ trợ này còn cần lộ trình cân nhắc, xem xét của các ngành chức năng. Điều này cũng hàm nghĩa phải tốn thêm thời gian và dự án đành tiếp tục chờ đợi...                           

Thành Nam

800 chung cư cũ chờ cải tạo, nâng cấp

(ANTĐ) - Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ nay đến năm 2015, gần 800 chung cư cũ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, sẽ được cải tạo, xây dựng lại.

Theo đó, các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, hư hỏng sẽ thực hiện theo nguyên tắc xã hội hóa. Tuy nhiên, các dự án phải có phương án quy hoạch kiến trúc hợp lý, với hệ thống dịch vụ công cộng tiện ích như bãi đỗ xe, trung tâm thương mại cho khu dân cư.

Hà Nội dẫn đầu danh sách này với 456 chung cư thuộc 23 khu tập thể lớn cần nâng cấp, cải tạo có tổng diện tích khoảng 1 triệu m2. Từ nhiều năm nay, thành phố đã tổ chức nhiều hình thức và khởi động hàng chục dự án cải tạo chung cư lớn nhỏ. Tuy nhiên, do những khó khăn khác nhau, nhiều dự án lớn như cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Thành Công, Giảng Võ... vẫn bị chậm tiến độ.

Chính Trung