Năm 2019: Đẩy nhanh tiến độ khởi công phục dựng điện Kính Thiên

ANTD.VN - Chiều 18-1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học, nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã chủ trì hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 của Hội đồng Tư vấn khoa học, nghiên cứu bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội.

Tại hội nghị, thay mặt hội đồng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ủy viên Thường trực Hội đồng, Trần Việt Anh đã báo cáo kết quả hoạt động của Hội đồng trong năm qua về công tác khai quật khảo cổ học tại khu vực Thành cổ Hà Nội; công tác bàn giao tiếp nhận di tích, di vật bảo đảm thống nhất quản lý Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; công tác triển khai các dự án khác... 

Cũng tại hội nghị, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều kiến nghị nhằm giúp khu di tích Cổ Loa và Thành cổ Hà Nội phát huy được hiệu quả cao nhất. Trong đó, PGS.TS Tống Trung Tín đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ nhằm bảo tồn các giá trị của Hoàng thành Thăng Long như: Đề xuất thu hồi tất cả các diện tích đã được định vị mốc quốc gia, được Chính phủ phê duyệt, đã đăng ký với UNESCO. Theo đó, di sản này chỉ có thu về thêm, không thể để thất thoát. Nếu để thất thoát là vi phạm. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, ông Tống Trung Tín còn đề xuất xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long, phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu - lễ hội hoàng gia lớn nhất, hoành tráng nhất mang tầm quốc gia như Lễ hội pháo hoa của Đà Nẵng, Phục dựng chính điện điện Kính Thiên và bảo tồn di sản hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu....

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đề xuất việc quan tâm nhiều hơn nữa tới khu vực di tích thành Cổ Loa. Trong khi đó, PGS.TS Đặng Văn Bài đặc biệt nhấn mạnh tới việc giáo dục di sản tới thế hệ trẻ trên ghế nhà trường và tại khu di tích. 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, năm 2019, công tác khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long cần được đẩy nhanh hơn nữa và thành phố sẽ sẵn sàng đầu tư kinh phí, để các nhà khoa học có điều kiện tốt nhất làm việc. Năm 2019, thành phố sẽ chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long tiến hành cải tạo khu vực 18 Hoàng Diệu, trồng thêm cây xanh và tạo vườn hoa trong khuôn viên. Việc này có thể có sự tham gia của các công ty xã hội hóa.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn, việc động thổ và khởi công phục dựng điện Kính Thiên sẽ được thực hiện trong thời gian sớm nhất, chủ trương đã có, chỉ còn chờ dự án được đẩy nhanh tiến độ. 

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến, vào tháng 10/2020, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ được bàn giao lại toàn bộ mặt bằng của Bảo tàng Lịch sử quân sự hiện nay. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại khu vực chân Cột cờ cũng đang được tiến hành để trong thời gian sớm nhất, sẽ bàn giao lại toàn bộ khu vực này cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố và các nhà khoa học sẽ cùng vào cuộc để đưa toàn bộ khu Hoàng thành Thăng Long trở thành một công trình tiêu biểu của Hà Nội, kết nối với các khu vực phụ cận như phố cổ, hồ Tây... Đây vừa là một sản phẩm văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch hút khách của Thủ đô. Để có được điều này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cần chủ động và tiến hành cùng lúc nhiều việc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai.