Mô hình trường học mới: Cân nhắc kỹ trước khi làm đại trà

ANTĐ - Sau 3 triển khai thí điểm, mô hình trường học mới (VNEN) được Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá có nhiều ưu điểm và quyết định mở rộng tới 100% các quận, huyện theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, nếu áp dụng cứng nhắc, mô hình này không thể phát huy hiệu quả, thậm chí có thể dẫn tới hệ lụy chạy theo hình thức mà không đảm bảo chất lượng.

Mô hình trường học mới: Cân nhắc kỹ trước khi làm đại trà ảnh 1Lo ngại những phát sinh nếu áp dụng mô hình VNEN đồng loạt

Học hỏi lẫn nhau hay bao che?

Một trong những nội dung được triển khai trong các trường khi áp dụng mô hình VNEN là đổi mới tổ chức lớp học, sắp xếp theo mô hình hoạt động nhóm. Thay vì học sinh được sắp xếp ngồi theo kiểu truyền thống là cùng hướng lên bảng thì các em sẽ được chia thành nhóm, mỗi nhóm    4-6 em. Theo đó, các em sẽ phải tự tổ chức tiếp thu bài học dưới dạng tự tìm hiểu, trao đổi với bạn, kiểm tra cùng nhau... Giáo viên đóng vai trò định hướng, nếu học sinh gặp điều gì vướng mắc thì thầy cô sẽ hỗ trợ. Ưu điểm của phương pháp VNEN là các em sẽ tự tin, chủ động, tự tìm kiến thức... 

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B, sĩ số một lớp học của các trường, đặc biệt là trường nội thành quá đông, lớp ít nhất cũng 35 em/lớp, nơi nhiều có khi lên đến gần 60 em/lớp. Trình độ học sinh trong một lớp lại không đồng đều. Với những học sinh có lực học trung bình hoặc yếu kém hoàn toàn không có khả năng tự học. Do vậy nếu áp dụng thường xuyên phương pháp VNEN sẽ khiến các em đuối dần thay vì tiến bộ. 

Ngoài ra, việc ngồi học theo nhóm với sự hỗ trợ của bạn bè, kết quả từng cá nhân đôi khi cũng ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nhóm, nên không tránh khỏi chuyện cho bạn yếu chép bài để nhóm của mình hoàn thành trước nhóm khác. Vì thế, kết quả học tập của nhiều em không thực chất. “Tôi thấy nhà trường giao nhiệm vụ cho các con theo nhóm để chuẩn bị chuyên đề hoặc bài báo cáo. Đây là hình thức học mới nhưng có thể thấy, ngoài một số bạn có thói quen tích cực thì khá nhiều bạn chỉ biết dựa dẫm, không có ý thức làm việc, dẫn tới việc vừa mất thời gian tụ họp nhưng kết quả lại chỉ thuộc về một vài cá nhân chứ không phải toàn bộ thành viên. Cứ như vậy, những bạn chưa tích cực sẽ không tiếp thu, ôn lại kiến thức cũ chứ chưa nói đến sáng tạo” - chị Phan Thanh Minh, phụ huynh trường THCS Alpha cho biết. 

Không làm đồng loạt

“Một mô hình, phương pháp dạy học dù tiên tiến đến đâu cũng không thể phù hợp với tất cả các trường, các đối tượng học sinh. Chính lãnh đạo các nhà trường, giáo viên phải biết căn cứ vào điều kiện của trường, lớp và các cá nhân học sinh để áp dụng. Trường chúng tôi đã triển khai rất nhiều phương pháp mới như bàn tay nặn bột, học theo nhóm… nhưng chỉ tùy theo từng môn học, từng chủ đề thay vì tiến hành đồng loạt ở tất cả các lớp, các giờ học” - bà Phạm Thị Yến chia sẻ.

Đối với các trường ở quận Tây Hồ, từ tiểu học tới THCS, việc xây dựng các tiết học mẫu theo phương pháp VNEN được Phòng GD-ĐT đứng ra xây dựng và tổ chức phổ biến, tập huấn cho tất cả các giáo viên theo đúng chuyên môn. “Từ các tiết học mẫu, giáo viên về sẽ tự tìm tòi, phát triển trên cơ sở nền đó. Chúng tôi tổ chức kiểm tra đều đặn ở tất cả các trường để đảm bảo việc triển khai được rộng khắp và chất lượng” - ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Tây Hồ cho biết. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã thí điểm mô hình VNEN 3 năm nay với số lượng chính thức là 58 trường tiểu học. Năm học này Sở chủ trương nhân rộng mô hình trường học mới ở 100% các quận, huyện. “Chúng tôi không chủ trương làm đồng loạt, mà các trường được hướng dẫn áp dụng theo hình thức thí điểm ở một số lớp hoặc khối lớp. Trường nào đủ điều kiện sẽ áp dụng toàn trường. Đây là mô hình đang trong giai đoạn thí điểm, do vậy, tùy theo điều kiện mỗi nơi, các trường có thể áp dụng từng phần hoặc toàn bộ mô hình VNEN” - ông Phạm Xuân Tiến cho biết.

Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, về tài chính, các phòng GD-ĐT cần báo cáo với UBND các quận, huyện để hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách hoặc có thể cho phép vận động dưới hình thức xã hội hóa cho các trường áp dụng mô hình này.