Màu nắng trên những ngả đường của thành phố bình yên

ANTD.VN - Nghe văng vẳng đâu đây tiếng bài hát quen thuộc “Ở một ngã tư đường phố, nhịp sống reo vui từng giờ, khi nắng mai về người và xe nối nhau đi trên đường…”. Chưa bao giờ tôi thấy lời bài hát lại hay đến như vậy bởi với tôi, đơn giản, hôm nay là một ngày vui.

Kính tặng ông nội!

Màu nắng trên những ngả đường của thành phố bình yên ảnh 1

7 giờ sáng…

Như mọi ngày, tôi dắt xe ra khỏi nhà. Thoáng chút ngao ngán vì có vẻ lại thêm một ngày không nắng. Tôi mặc vội áo mưa rồi lên đường.

Lộ trình 14km từ nhà đến cơ quan không phải là quá dài nhưng chắc chắn không phải là quãng đường ngắn, khi phải đi qua 3 ngã tư, gần chục cây đèn tín hiệu và 2 cây cầu vượt. Để con đường bớt xa, hành trình bớt nhàm chán, tôi tự tập cho mình thói quen đếm ngã ba ngã tư, đếm đèn đường tín hiệu; tự tập cho mình thói quen di chuyển “hòa bình” với dòng người đông như nêm với đủ loại phương tiện, đủ loại tiếng ồn và mỗi ngày lại có thói quen suy nghĩ về một chủ đề nào đó. 

7 giờ 15 phút….

Mặt đường ướt nhẹp. Người người bít bùng trong những bộ áo mưa đủ màu, cáu kỉnh nếu chẳng may bị xe khác chạy nhanh làm bắn bùn vào người. Cuối cùng, tôi cũng “bò” đến ngã tư thứ nhất.

Theo đúng quy luật, cứ buổi sáng làn đường đổ vào trung tâm Hà Nội kẹt cứng người trong khi làn ngược lại thênh thang. Thế là dân tình chẳng ai bảo ai tự động đi ngược chiều sang làn bên chờ đèn xanh “cho thoáng”. Thế là cả 2 làn cùng tắc. Hôm nay, tự nhiên đoàn người đi ngược chiều biến mất, đang tự hỏi vì sao thì nhận ra “phép màu” chính là bóng áo vàng của một anh CSGT đứng ngay dải phân cách. Đưa tay vuốt vội khuôn mặt đẫm nước mưa, thân hình cao gầy nút trong bộ áo mưa đồng phục, anh CSGT vừa luôn tay làm tín hiệu chỉ dẫn giao thông vừa kiên trì bám trụ dải phân cách để ra hiệu cho một số người cố tình đi ngược chiều quay lại. Từng chút một, tình trạng hỗn độn ở ngã tư thứ nhất đã được gỡ. 

7 giờ 30 phút…

Ngã tư thứ hai đã ở trước mặt tôi. Hôm nay, trên bục điều khiển giao thông là một nữ CSGT. Em đeo quân hàm Trung úy, rất trẻ, chắc cũng chỉ tầm tuổi em gái tôi. Dáng em càng thêm mảnh khảnh giữa ngã tư rộng lớn với ngút ngàn người và xe. Đôi bàn tay dứt khoát, nhịp nhàng cùng tiếng còi hiệu lệnh vang lên nghe quen thuộc. Tự dưng tôi lại nhớ ông nội và nhớ tôi của hơn chục năm trước…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, theo tiếng gọi của Đảng, ông lên đường nhập ngũ cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Sau kháng chiến, may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, ông phục viên về công tác tại công an xã. Hành trang ông mang về nhà là những câu chuyện hào hùng của những tháng ngày cầm súng và một vết thương dài nơi ngực trái.

Thời gian sau này, ông nội tôi được phân công giữ trọng trách Phó Trưởng phòng CSGT của Ty Công an Hà Sơn Bình (cũ). Những năm chống Mỹ cứu nước, ông tình nguyện cùng đoàn cán bộ miền Bắc vào Sài Gòn tiếp quản. Hành trang của ông lúc lên đường là bốn đôi mắt con thơ bé dại cùng nỗi canh cánh về trách nhiệm làm con, làm chồng chưa tròn với bố mẹ già, với người vợ ở quê. 

Sài Gòn những năm đầu giải phóng “ngổn ngang” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với vai trò là một trong những người chỉ huy lực lượng CSGT đầu tiên của Ty Công an TP.HCM lúc bấy giờ, ông cùng đồng chí đồng đội mình đã góp phần viết lên bảng vàng thành tích đáng tự hào của lực lượng CAND trong sứ mệnh giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn thành phố sau giải phóng.

Khi nghỉ hưu quay ra miền Bắc, tài sản ông mang về cho con cháu chẳng có gì ngoài tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Ba, Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. 

Tôi còn nhớ như in ánh mắt chứa chan tình yêu nghề, niềm tự hào của một người Cảnh sát giao thông khi ông kể tôi nghe những kỷ niệm vui buồn ngày ông còn công tác. Tôi cũng không quên được cách ông nâng niu bộ quân phục cũ mà lúc nào ông cũng cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng.

Ông thường nói với tôi, làm CSGT không đơn giản như nhiều người nghĩ. Nếu không vững luật, không có tác phong giao tiếp với dân tốt thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Luật chắc rồi, giao tiếp tốt rồi mà không có đạo đức tốt thì sớm muộn cũng sẽ bị tha hóa. Làm công an cũng vậy, làm cho xong việc thì dễ nhưng để làm tốt, để trở thành người công an được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ thì khó. 

Lúc đó tôi còn nhỏ chưa hiểu hết lời ông nói. Nhưng chính ông đã truyền cho tôi tình yêu với nghề công an và tôi biết lớn lên nhất định tôi sẽ làm Công an, nhất định sẽ trở thành một người công an tốt như ông nội. Nếu ngày ấy tôi trở thành một chiến sỹ CSGT biết đâu tôi cũng sẽ giống như cô CSGT này, được đứng nơi ngã tư để giúp mọi người và các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn, vất vả đấy nhưng trong lòng đầy ắp hoài bão và niềm vui. Hôm nay, tôi cũng đã là một chiến sỹ Công an như lời hứa với ông năm xưa. Chắc chắn ở nơi nào đó rất gần, ông cũng sẽ vui vì đứa cháu nội của ông đã phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, đã học được thói quen biết giữ lời hứa và khắc phục khó khăn mà ông vẫn dạy. 

7 giờ 50 phút

Câu chuyện về ông nội đã dẫn tôi đến ngã tư thứ ba tự lúc nào không biết. Mưa đã bớt mau hạt, dòng người như càng thêm hối hả vì chỉ còn mười phút nữa là đến giờ làm việc. Đèn đỏ. Đồng hồ đếm ngược bắt đầu từ con số 100. Các phương tiện miễn cưỡng xếp hàng trước vạch kẻ dành cho người đi bộ.

Đâu đó trong đám đông tiếng chửi thề vì va quyệt, tiếng làu bàu vì những bức xúc vu vơ. Hẳn là ai cũng bận nên chẳng có thời gian nhìn thấy một bà cụ già bé nhỏ đang run rẩy ngồi nhặt mấy quả cam bị rơi ra từ cái túi nilon màu xanh mà bà cụ đang cầm trên tay. Trông bà cụ thật đáng thương, dáng bé nhỏ lọt thỏm trong dòng xe cộ ngược xuôi, ánh mắt bất lực ngước lên cầu cứu. Đúng lúc ấy từ bên kia đường, một anh CSGT chạy lại nhặt cam giúp bà cụ và dắt tay cụ qua đường. Hẳn bà cụ sẽ nhớ lắm cảm giác có một bàn tay ấm áp, vững chãi đã giúp mình…  

Hình ảnh anh CSGT dắt tay bà cụ thong thả bước qua ngã tư đông đúc và rộng lớn làm tôi có cảm giác nhịp sống hối hả xung quanh lắng đọng trong giây lát. Bóng anh cao lớn, vững chãi bên dáng bà bé nhỏ làm cho tôi thấy xúc động. Hình ảnh khô cứng ngày thường của những chiến sỹ CSGT như biến mất, thay vào đó là hình ảnh ân cần như của một đứa cháu trai dắt bà đi dạo.

Dòng suy tư của tôi chợt bị những tiếng khúc khích của mấy cháu học sinh làm gián đoạn. Hóa ra các cháu khen anh CSGT “đẹp trai” và “tốt bụng”. Tôi nghe thấy tiếng máy ảnh lạch xạch và chợt giật mình nhớ ra là mình quên không lưu lại hình ảnh đẹp ngày hôm nay. Hóa ra không phải chỉ có tôi mà nhiều người trong đám đông vốn không phải đều có thiện cảm với CSGT đã có thêm một cái cái nhìn khác về những người lính mặc áo vàng. Hóa ra tình yêu với ai đó không phải bắt đầu từ những những việc lớn lao mà lại đâm chồi nảy lộc từ những điều bình dị. Những việc tốt, đúng lúc, đúng chỗ sẽ có tác dụng hơn trăm lần những bài tuyên truyền giáo điều, khô cứng. 

Đèn xanh. Dòng người lại lao đi hối hả, vội vã với những bộn bề công việc, lo toan, dự định. Chỉ thấy bóng áo vàng của các CSGT vẫn cần mẫn với công việc trên đường. Lòng tôi chợt rộn rã niềm vui, không chỉ bởi mưa tạnh và nắng hửng lên vàng chói. Nắng như đẹp hơn bởi sắc áo vàng của những người đồng đội của ông nội tôi trên những nẻo đường tôi đã đang và sẽ đi. Hành trình của tôi cũng như bao người khác sẽ luôn có bóng dáng của những chiến sĩ Công an luôn muốn cống hiến hết mình cho một thành phố bình yên.  

Chào nắng vàng, chào ngày mới!