Lượng sức, chọn nguyện vọng

ANTD.VN - Kỳ thi THPT quốc gia 2017 và xét tuyển ĐH, CĐ có nhiều điểm mới khiến hàng nghìn thí sinh băn khoăn, lúng túng. Nỗi băn khoăn lớn nhất là có nhiều nguyện vọng, không hạn chế số trường, số ngành. Song, đam mê chỉ có một, thích thì nhiều, vậy có nên thích đến vô hạn dẫn đến kết quả không được như mong muốn?

Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, lời khuyên với thí sinh là, không nên tận dụng tối đa nguyện vọng, cần có đầy đủ thông tin, tìm hiểu kỹ lưỡng, cân nhắc và tập trung lựa chọn một hướng đi mà mình thấy chắc chắn nhất.

Câu hỏi lớn nhất được hầu hết thí sinh đặt ra với các chuyên gia tư vấn là lựa chọn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển như thế nào để không bị trượt ĐH. Thực tế qua các kỳ thi trước đây cho thấy, không ít thí sinh đăng ký cho xong, thậm chí theo tâm lý đám đông, trúng hay không cũng chẳng sao.

Kỳ thi năm nay, đợt 1 xét tuyển hầu như các trường ĐH sẽ xét tuyển sinh xong. Do vậy, nếu thí sinh để tuột cơ hội trúng tuyển đợt này thì xem như trượt. Để tránh hậu quả đáng tiếc này, thí sinh chỉ đặt bút đăng ký vào ngành mình thực sự yêu thích, theo học đại học. 

Tình trạng thí sinh đăng ký nguyện vọng theo “phong trào”, chạy theo những ngành “nóng” như kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh... đã từng diễn ra trong những năm qua.

Trong khi đó, trên thị trường lao động, nguồn nhân lực này đã có lúc bão hòa. Tình trạng cử nhân thất nghiệp, học càng cao tỷ lệ không có việc làm càng lớn đã được cảnh báo trong lĩnh vực đào tạo.

Bộ GD-ĐT vừa có chỉ đạo các trường ĐH tổng kết đánh giá tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Tuy nhiên, đây là một yêu cầu không dễ thực hiện bởi gặp không ít khó khăn, bất cập trong việc thu nhập, cập nhật thông tin, dữ liệu. 

Trong bối cảnh này, đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) khuyến nghị, thí sinh nên chia nguyện vọng của mình thành 3 nhóm, đồng thời tham khảo điểm chuẩn những năm trước của các trường ĐH để lượng sức mình.

Nhóm 1 là trên tầm khả năng của mình. Nhóm 2 là vừa sức mình nhất. Nhóm 3 là thấp hơn khả năng của mình để phòng thi trượt cả 2 nhóm trên. Thí sinh nên nhớ trường nào, ngành nào mà mình thích nhất phải được đặt lên hàng đầu.

Có thể coi đó là “cẩm nang” cho thí sinh chuẩn bị bước vào cuộc “vượt vũ môn” sắp tới. Nguyện vọng là vô cùng, song điều quan trọng nhất là nó phải phù hợp với khả năng, vừa sức của mình.