Lực lượng PCCC cứu nạn, cứu hộ trên sông, hồ

ANTD.VN - Chính phủ dự định sẽ giao cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy ngoài thực hiện cứu nạn, cứu hộ trên đất liền còn kiêm luôn cả vùng nội thủy.

Lực lượng PCCC tới đây không chỉ cứu nạn, cứu hộ trên đất liền mà còn thực hiện hoạt động này trên vùng nội thủy

Ngày 21-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào Tờ trình của Chính phủ về xây dựng, ban hành Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC).

Mở rộng phạm vi cứu nạn, cứu hộ

Theo Tờ trình của Chính phủ, lực lượng PCCC tới đây không chỉ cứu nạn, cứu hộ trên đất liền mà còn thực hiện hoạt động này trên vùng nội thủy của đất nước (trừ những tình huống thuộc thẩm quyền của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thực hiện).

Theo Chính phủ, quy định này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện nay là đang giao cho nhiều lực lượng thuộc các bộ, ngành khác nhau thực hiện mà chưa quy định cho lực lượng chuyên trách nào; dẫn tới quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ còn chậm trễ, lúng túng và không có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất. 

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần rà soát, phân công, phân cấp cho các lực lượng phối hợp, tránh trùng lắp nhiệm vụ với các lực lượng khác, đồng thời, phải giải thích các tình huống để không gây hiểu lầm, tranh cãi. Nhiều ý kiến trong UBTVQH cũng đồng tình việc mở rộng phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ vì trong thời gian qua, tình hình cháy nổ, tai nạn vẫn diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho xã hội.

Đã là cứu hộ, cứu nạn rồi là thấy phải cứu chứ không nên chia ra cứu hộ thông thường và cứu hộ khẩn cấp

Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Thị Kim Ngân

Riêng việc dự thảo Nghị định này quy định 2 loại hình là cứu hộ thông thường và cứu hộ khẩn cấp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ băn khoăn bởi khi có sự cố, tai nạn xảy ra rất khó phân biệt cái nào là khẩn cấp, cái nào là thông thường cần ký hợp đồng rồi mới cứu hộ. “Nếu không giải thích rõ, không phân biệt được thì không nên đưa vào dự thảo. Đã là cứu hộ, cứu nạn rồi là thấy phải cứu chứ không nên chia ra như thế” - Chủ tịch Quốc hội góp ý. 

Về vấn đề này, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng: Theo quy định của dự thảo, hoạt động cứu hộ thông thường được thực hiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thông qua giao kết hợp đồng hoặc thỏa thuận, có thu tiền, đây là hoạt động dịch vụ trên cơ sở giao dịch dân sự.

“Việc giao lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ này chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Việc sử dụng lực lượng, phương tiện trang thiết bị do Nhà nước trang bị để thực hiện hoạt động dịch vụ cũng không phù hợp với quy định tại Điều 16, Điều 28 Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước và Nghị định 106/2009/NĐ-CP của Chính phủ” - ông Võ Trọng Việt nói.

Sẽ nghiêm cấm khai thác thủy sản vô tội vạ

Cũng trong ngày 21-3, UBTVQH đã thảo luận về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Một trong những nội dung mới đáng lưu ý là đề xuất thực hiện cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản. Theo ban soạn thảo dự luật, quy định này vừa phù hợp với phương thức quản lý của các quốc gia trên thế giới vừa giúp kiểm soát được nguồn lợi thủy sản chặt chẽ hơn.

Với kinh nghiệm 30 năm đi biển, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam góp ý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thủy sản của nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng nhưng dễ nhận thấy hơn cả là tình trạng đánh bắt tận diệt, chích điện, đánh thuốc nổ. “Cách khai thác tận diệt đó nhiều khi làm chết vài chục tấn cá nhưng chỉ thu được vài tấn” - Thượng tướng Phạm Ngọc Minh chia sẻ. 

Theo ông Phạm Ngọc Minh, để khắc phục tình trạng trên thì cần có những quy định cụ thể về đánh bắt thủy sản, chẳng hạn cần quy định rõ thời điểm nào thì cấm đánh bắt thủy sản - nhất là mùa cá sinh sản, thậm chí cần cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể đánh bắt vô tội vạ.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, ở một số nước có quy định cá lớn bao nhiêu thì mới được đánh bắt chứ không cho phép khai thác thế nào cũng được. “Việt Nam có đưa các quy định này vào luật hay không?” - ông Võ Trọng Việt đặt câu hỏi. Tương tự, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng tán thành với việc đưa vào Luật này quy định cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản.