Loay hoay tìm kiếm, chiêu mộ nhân tài

ANTD.VN - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 của ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thắc mắc, môi trường học tập, làm việc trong nước như thế nào để 35 tỷ USD tiền nhân dân và Nhà nước phải chi cho du học. Từ đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào thu hút những người thành tài ở nước ngoài quay về đóng góp cho đất nước?

Loay hoay tìm kiếm, chiêu mộ nhân tài  ảnh 1Hội nghị Gặp gỡ Việt Nam vừa được tổ chức thành công với sự tham gia
của nhiều chuyên gia thế giới và trong nước

Nhân tài không hiếm nhưng tìm không dễ

Một trong những vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh với ngành giáo dục chính là việc cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi.

Thủ tướng đã trích dẫn câu nói của Nguyễn Trãi: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu, nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”.

"Nhân tài nằm ở bìa rừng, góc núi, đó có thể là các em học sinh nơi miền núi hải đảo, đó là các giáo viên với những sáng tạo đổi mới trong dạy và học, đó có thể là các chuyên gia, những giảng viên đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài… Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải phát hiện được” - Thủ tướng yêu cầu.

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, nhiều học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí khác nhau (từ ngân sách Nhà nước, học bổng của Chính phủ và cơ sở đào tạo nước ngoài, tự túc kinh phí), trong đó kinh phí tự túc của gia đình người học là chủ yếu. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp chưa phát huy tốt vai trò, khả năng của mình do chưa có các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề hàng chục tỷ USD chảy ra nước ngoài qua con đường du học là điều các trường đại học và ngành giáo dục cần suy nghĩ để giữ được người tài, thu hút người tài.

Trước vấn đề trọng dụng nhân tài đã được bàn lâu nay nhưng hiệu quả không nhiều, Chính phủ đã chính thức giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút, sử dụng có hiệu quả học sinh, sinh viên học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp đóng góp xây dựng đất nước.

Cần đơn đặt hàng chứ không chỉ có đãi ngộ

Chiều 8-8, trong buổi tọa đàm trực tuyến tại báo Vietnamnet về chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp xây dựng đất nước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: “Tình trạng phổ biến mà tôi quan sát được là khi các nhà khoa học ở nước ngoài về,  họ không biết làm với ai, rồi cả hai bên đều thất vọng về nhau”.

Về vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu cũng nhận định: “Thử đặt mình vào vai trò của một giáo sư nước ngoài, tại sao ông ấy lại sang Việt Nam? Cái gì cuốn hút ông ấy? Chắc chắn không phải vấn đề thu nhập rồi. Nên mình không đặt vấn đề cạnh tranh thu nhập với các nước. Thế thì cái gì có thể cạnh tranh? Đó chính là công việc. Chẳng hạn như một GS nghiên cứu về kinh tế học hay nghiên cứu về thủy lợi, điều họ cần là số liệu. Nếu mình có một nhóm làm việc ở Việt Nam đã tổ chức, đi thu thập những số liệu tốt để họ được quyền tiếp cận số liệu đó theo đúng vấn đề họ nghiên cứu thì điều đó sẽ hấp dẫn được họ”. 

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ “Để thu hút người tài về làm việc cho mình thì trước hết mình phải mô tả kỹ vị trí công việc, điều kiện phát triển, cũng như để cho anh em muốn về có thể tham gia vào đàm phán và thảo luận về cơ hội đó thì chúng ta phải có một diễn đàn nào đấy để  chia sẻ.

Với công nghệ thông tin, mạng lưới như hiện nay thì chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng và chia sẻ. Chúng ta cũng cần có một đội ngũ thông tin thường xuyên để mô tả ĐH Bách khoa Hà Nội có nội lực như thế nào, định hướng hoạt động như thế nào để cho anh em các nơi nhìn và thấy được họ có thể đóng góp được cái gì, tham gia được cái gì, điều kiện ra sao...”, ông Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Về việc tạo dựng chính sách thu hút nhân tài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần xây dựng chính sách “từ dưới lên”, tức là sẽ lắng nghe các góp ý từ thực tiễn, sau đó mới xây dựng, chứ không phải ở trên vẽ ra một chính sách rồi áp xuống.

Theo Bộ trưởng, có 2 nhóm đối tượng cần thu hút, một là chuyên gia, những nhà khoa học, những cá nhân có uy tín học thuật ở thế giới, để họ làm đầu tàu, lan tỏa. Những người này sẽ mang các kiến thức, mối quan hệ, vốn sống thuộc các nước tiên tiến trở về áp dụng tại Việt Nam. Với nhóm này, có thể thành lập thành các hội đồng tư vấn hay tham vấn. Nhóm thứ hai là các tiến sĩ, thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài, dù chưa có thành tựu lớn ở nước ngoài, nhưng họ sẽ về để làm thế hệ kế tiếp. Việc đưa những nhân tài này quay về phải thực hiện theo cơ chế dự án, đơn đặt hàng…