Lo "vỡ trận" nếu "xé rào" quy chế xét tuyển đại học

ANTD.VN - Đây là cảnh báo của Bộ GD-ĐT với các trường đại học khi tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu diễn ra trong đợt 1 với các trường “hot” nhất hiện nay như y dược, kinh tế, quân đội… Trong đợt xét tuyển bổ sung, tỷ lệ thí sinh “ảo” được dự đoán sẽ cao hơn. Bộ GD-ĐT cảnh báo, việc phá vỡ quy chế để tuyển đủ chỉ tiêu của một trường có thể gây nên rối loạn toàn hệ thống. 

Lo "vỡ trận" nếu "xé rào" quy chế xét tuyển đại học ảnh 1Kỳ xét tuyển năm nay không còn cảnh chen chúc nộp hồ sơ đại học 

Thí sinh đi đâu?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong đợt xét tuyển đầu tiên, có tới 75% thí sinh đăng ký vào 2 trường cùng một lúc. Như vậy, tỷ lệ trúng tuyển ảo là trên 50% đối với bất cứ trường ĐH nào vì thí sinh chỉ được chọn 1 trường để theo học. Trong đợt xét tuyển bổ sung từ ngày 21 đến 31-8, các thí sinh sẽ được đăng ký 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Như vậy, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 6 nguyện vọng - nhiều gấp 1,5 lần so với đợt xét tuyển đầu tiên. Quy định này tuy làm tăng cơ hội cho thí sinh nhưng cũng khiến mức độ trúng tuyển “ảo” của các trường trong đợt xét tuyển bổ sung tăng cao hơn nhiều so với đợt 1.

Cũng trong đợt xét tuyển đầu tiên, thống kê từ Bộ GD-ĐT, trong số 396.496 thí sinh đã đăng ký xét tuyển, mới chỉ có 220.000 thí sinh nộp phiếu chứng nhận kết quả. Vậy còn hơn 170.000 thí sinh nữa  đi đâu? Đó là câu hỏi mà nhiều trường phải đặt ra, đặc biệt là những trường luôn xếp đầu trong sự lựa chọn của thí sinh như Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội… Các trường sẽ còn phải đau đầu hơn trong vấn đề đối phó với thí sinh “ảo” trong đợt xét tuyển bổ sung khi số lượng thí sinh ít đi nhưng số lượng trường công bố xét tuyển bổ sung vẫn còn rất nhiều. 

Bộ GD-ĐT lý giải, số lượng thí sinh đăng ký thi, xét tuyển vào đại học tương đối ổn định, trong khi đó chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi. Đặc biệt, năm 2016 này, nhiều địa phương ghi nhận việc học sinh tốt nghiệp THPT có nguyện vọng học lên ĐH, CĐ cũng giảm. Nhiều thông tin cho thấy, có tình trạng người học thay vì vào đại học đã chuyển sang học cao đẳng hoặc các trường dạy nghề.

Không có phương án hoàn hảo 

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho thấy, đợt xét tuyển bổ sung còn 154.739 thí sinh đủ điều kiện đăng ký xét tuyển. Số thí sinh trên 20 điểm các khối truyền thống vẫn còn nhiều. Nguồn tuyển không phải thiếu nếu thí sinh đủ điều kiện có nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, tối 31-8, Bộ sẽ cung cấp cho các trường dữ liệu đăng ký xét tuyển kèm theo toàn bộ danh sách nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký để các trường tham khảo.

Để đối phó với tình trạng thí sinh “ảo”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đề nghị các trường phát huy kinh nghiệm những trường đã làm tốt công tác xét tuyển đợt 1. Trong đợt bổ sung này, các trường nên phân tích kỹ cơ sở dữ liệu Bộ cung cấp, nếu cần thiết thì liên lạc trực tiếp với thí sinh để thăm dò ý kiến trên cơ sở đó dự kiến tỷ lệ dư dôi phù hợp.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thí sinh “ảo” phát sinh là điều mà cả Bộ và các trường đều đã thấy trước khi chính thức xét tuyển. Trong các cuộc họp bàn về quy chế xét tuyển, các trường đều khẳng định sẽ xử lý tốt vấn đề này và không đồng tình với các giải pháp chống “ảo” mà Bộ đã đưa ra như xét tuyển chung trong cả nước, tham gia xét tuyển theo nhóm trường…

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, không có phương án tuyển sinh nào hoàn hảo. Các trường và thí sinh cần chia sẻ thuận lợi, khó khăn và tuân thủ đúng quy chế tuyển sinh. Bất kỳ một sự thay đổi nào hiện nay đều có thể gây ra rối loạn toàn hệ thống.

Bộ GD-ĐT vừa cập nhật thông tin 159 đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng xét tuyển nguyện vọng 2, tính đến hết ngày 25-8-2016. Toàn bộ chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển sẽ được đăng tải trên website của Bộ. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin nhằm hỗ trợ cho thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm nay. Theo quy định, thời gian xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ kéo dài đến 31-8-2016.