Lo ngại "tiền chùa" biến thành quà Tết

ANTD.VN - Thời điểm này, bình quân mỗi ngày, đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ nhận được khoảng 20 tin báo phản ánh về việc biếu, nhận quà Tết trái quy định.

Ông Phạm Trọng Đạt trực tiếp cầm một số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về việc biếu xén, tặng quà Tết trái quy định

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cho biết, bước đầu, tình hình biếu xén, tặng quà Tết trái quy định năm nay đã có chuyển biến tốt hơn. Dù vậy, những biến tướng trong việc tặng quà Tết trái quy định không dễ xác minh ngay được. 

Số cuộc gọi giảm nhưng tính xác thực cao hơn

Cách đây gần 1 tháng, Thanh tra Chính phủ đã công bố 3 số điện thoại đường dây nóng (08.048228; 0902.386.999; 0125.698.6688) để tiếp nhận tố cáo, phản ánh về các hành vi tham nhũng, lợi dụng biếu xén, tặng quà Tết. Trong 3 số này, có một số điện thoại do Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt trực tiếp cầm máy.

Thời điểm giáp Tết, bình quân mỗi ngày cả 3 máy điện thoại đường dây nóng nhận được khoảng 20 tin báo, chủ yếu phản ánh về việc biếu, nhận quà Tết trái quy định. So với dịp Tết năm ngoái, lượng tin báo tính đến thời điểm này ít hơn nhưng dự báo, từ nay đến sau Tết, số tin báo phản ánh sẽ tăng lên. Hơn nữa, dù số cuộc gọi có ít hơn song tính xác thực của thông tin phản ánh cao hơn, thậm chí một số người gọi đến phản ánh còn tư vấn luôn hướng giám sát, xác minh vi phạm đó.

Nguy hiểm hơn, nhiều người hối lộ lãnh đạo bằng cách tặng quà giá trị rất lớn mà không cần đem phong bì đến nhà riêng hay cơ quan. Đó là những biến tướng tinh vi và khó phát hiện

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Phạm Trọng Đạt cho biết, dịp Tết năm 2016, trong số rất nhiều cuộc gọi đến đường dây nóng, Thanh tra Chính phủ sàng lọc được 66 tin tố cáo về những vi phạm trong việc tặng quà Tết trái quy định, kể cả việc dùng tiền, tài sản công để tặng quà Tết. Tuy vậy, có thực tế là người dân nhiều khi gọi điện đến đường dây nóng chỉ phản ánh về hiện tượng chứ không nắm rõ cụ thể, cũng có những người gọi điện báo việc phát hiện chính lãnh đạo tỉnh mình mang quà gì ra Hà Nội chúc Tết”, ông Phạm Trọng Đạt chia sẻ.

“Ở những cơ quan, đơn vị mà thủ trưởng lợi dụng dịp Tết để đi chúc Tết, biếu xén quà trái quy định bằng tiền của tập thể thì cán bộ cơ quan đó biết ngay. Người gọi điện phản ánh rất có thể cũng là người trong cuộc, trực tiếp xuất tiền, thậm chí trực tiếp cùng lãnh đạo đi biếu quà Tết. Khi hết giờ làm, ra khỏi cơ quan thì họ là người dân bình thường, biết chuyện biếu xén quà Tết đó là vi phạm nên họ gọi điện báo. Chúng tôi rất hoanh nghênh những tin báo như vậy. Tất nhiên, với những tin báo này, chúng tôi còn phải thẩm định, xác minh chứ chưa thể kết luận ngay. Nhưng những tin kiểu đó thường có độ chính xác cao”, ông Phạm Trọng Đạt phân tích.

Thời điểm này, bình quân mỗi ngày, đường dây nóng của Thanh tra Chính phủ nhận được khoảng 20 tin báo phản ánh về việc biếu, nhận quà Tết trái quy định.

Biến tướng ngày càng tinh vi

Đại diện Cục Phòng, chống tham nhũng nhận định, với việc năm nay Đảng và Chính phủ đều có chỉ thị, chỉ đạo nghiêm cấm biếu xén, tặng quà Tết trái quy định, nhìn chung đã có sự chuyển biến. Nếu như mọi năm, giờ này các cơ sở đã rục rịch chuẩn bị quà Tết chỗ này, chỗ kia thì năm nay không còn thấy phổ biến tình trạng đó. Dù vậy, qua các tin nhắn, tin phản ánh về đường dây nóng cũng cho thấy, quyết tâm lần này của Trung ương rất lớn nhưng người dân vẫn lo ngại cấp dưới không có chuyển động, Chính phủ rất quyết liệt nhưng có thể địa phương chưa chịu chuyển biến. 

Điều trăn trở nữa là những sai phạm trong việc tham nhũng, biếu xén, tặng quà Tết trái quy định cũng biến tướng đa dạng hơn, khó phát hiện hơn. Chẳng hạn, có người dân gọi điện đến đường dây nóng báo tin đã phát hiện một số trường hợp lãnh đạo địa phương lên Hà Nội để chúc Tết, biếu quà dưới hình thức đi dự hội nghị tổng kết hoặc đi làm việc, rồi có nhiều cuộc gọi phản ánh tình trạng này không tập trung vào dịp gần Tết nữa mà rải rác quanh năm…

Theo ông Phạm Trọng Đạt, hành vi đáng lên án là việc  dùng tiền ngân sách, dùng tài sản công phục vụ việc tặng quà Tết, lợi dụng văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để biến mỗi dịp Tết thành cơ hội đút lót, chạy chọt. Nguy hiểm hơn, nhiều người hối lộ lãnh đạo bằng cách tặng quà giá trị rất lớn mà không cần đem phong bì đến nhà riêng hay cơ quan. Đó là những biến tướng tinh vi và khó phát hiện hơn rất nhiều. 

Với những tin nhắn, cuộc gọi đến đường dây nóng phản ánh, tố cáo về việc biếu, nhận quà Tết trái quy định, ông Phạm Trọng Đạt cho biết, trước mắt, Cục Phòng, chống tham nhũng sẽ phân loại, thẩm định, xác minh. Cùng đó, Thanh tra Chính phủ cũng cập nhật và phân tích những tin báo đó để xem thuộc về bộ, ngành, địa phương nào, sau đó đề nghị họ kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả.