Lo ngại hóa chất, người Việt Nam chấp nhận chi trả thêm 5-10% mua thực phẩm an toàn

ANTD.VN -Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), khoảng 76% thịt lợn được bán tại các chợ truyền thống ở nước ta được giết mổ tại các cơ sở điều kiện vệ sinh kém. 
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), khoảng 76% thịt lợn được bán tại các chợ truyền thống ở nước ta được giết mổ tại các cơ sở điều kiện vệ sinh kém. 

Sáng 27-3, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế đã tổ chức công bố báo cáo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam - Những thách thức và cơ hội”. Nghiên cứu của WB tại Việt Nam được thực hiện từ tháng 8-2016 đến tháng 2-2017, tập trung vào chuỗi giá trị của thịt lợn và rau ăn lá để tìm các nguy cơ ATTP.

Theo báo cáo này, sản xuất nhỏ ở quy mô nông hộ cung cấp phần lớn (khoảng 80%) thực phẩm tiêu thụ của Việt Nam. Phần lớn thực phẩm (khoảng 90%) được bán ở các chợ truyền thống nhưng sức mua ở các siêu thị cũng ngày càng tăng. Cụ thể, 80% thịt lợn và 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ bán lẻ truyền thống; trong đó 76% lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế cho biết: ATTP được nhìn nhận là một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với người dân Việt Nam. Người tiêu dùng có xu hướng lo lắng về các nhiễm bẩn hóa học và các chất độc trên thực phẩm hơn là nhiễm bẩn vi sinh vật. Vì thế, người tiêu dùng với một bộ phận sống ở đô thị sẵn sàng chi trả thên 5-10% chi phí mua nguồn thực phẩm an toàn hơn.

Cũng theo báo cáo của WB, hệ thống pháp luật của Việt Nam về ATTP khá đầy đủ nhưng còn khoảng trống thực thi. Theo đại diện WB, mặc dù Việt Nam có quy định về trách nhiệm trong quản lý ATTP cho 3 Bộ: NN&PTNT, Y tế và Công thương. Tuy nhiên, cũng tương tự tình trạng chung của nhiều quốc gia đang phát triển khác, hiện tại Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn giữa việc ban hành và thực thi pháp luật…

Trước thực trạng được nêu ra trong báo cáo của WB, tại hội thảo công bố báo cáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao việc WB độc lập nghiên cứu báo cáo về thực trạng quản lý ATTP tại Việt Nam trong thời điểm này. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, với thực phẩm xuất khẩu, Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ…; tuy nhiên đảm bảo ATTP với thị trường nội địa vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện Luật ATTP của nước ta đã phân công rất rõ nhiệm vụ, vai trò của các Bộ ngành và đơn vị liên quan, trong đó có 3 Bộ được giao quản lý trực tiếp gồm Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Đúng là các Bộ trong công tác phối hợp với nhau thời gian qua còn hạn chế, song chỉ cần mỗi Bộ tự làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh hiện nay thì đã rất tốt, hiệu quả đã được nâng cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu, thời gian tới cần tăng cường năng lực thực thi từ cấp trung ương đến cơ sở, 4 cấp cùng vào cuộc trong công tác ATTP, trong đó vai trò của cơ sở, chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng vì đa số cơ sở sản xuất thực phẩm ở nước ta là sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương.