Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ:

Liệu có chấm dứt kiểu đòi nợ na ná "xã hội đen"?

ANTD.VN - So với Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, các quy định tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang được đưa ra lấy ý kiến đã có những thay đổi được đánh giá là tích cực. Mặc dù vậy, cũng còn những ý kiến băn khoăn, liệu những quy định mới có đi vào thực tiễn, giúp chấn chỉnh hoạt động đòi nợ thuê vốn đang rất phức tạp hiện nay?

Minh họa Internet

Vì sao đòi nợ kiểu “xã hội đen” lên ngôi?

Những năm gần đây, lực lượng công an đã liên tục bắt giữ nhiều nhóm đối tượng đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”. Những thủ đoạn mà các đối tượng này sử dụng để đòi nợ là vô cùng đa dạng, từ đe dọa, gọi điện liên tục gây áp lực, gọi điện đến cơ quan, “canh” ở nhà con nợ, ném chất bẩn… đến sử dụng “hàng nóng, hàng lạnh”. Không ít vụ đã xảy ra trọng án làm liên lụy về mặt pháp lý đến cả chủ nợ.

Điều đáng nói là, dù hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả con nợ, chủ nợ cũng như ảnh hưởng đến trật tự xã hội, nhưng đến nay hình thức này vẫn là lựa chọn của đa số cá nhân, doanh nghiệp (DN) khi muốn thu hồi khoản nợ khó đòi.

Lý giải phần nào cho thực tế nêu trên, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến việc đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” lên ngôi là vì thực tế việc đòi nợ thông qua con đường tòa án hiện còn lắm nhiêu khê, hiệu quả kém, trong khi việc “nhờ” đến dịch vụ đòi nợ kiểu “xã hội đen” vừa nhanh gọn, tỷ lệ thành công lại cao hơn.

Theo khảo sát này, tỷ lệ thành công khi thuê dịch vụ đòi nợ kiểu “xã hội đen” đạt đến 90% và thời gian chỉ từ 15-30 ngày. Trong khi đó, nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới... 400 ngày.

Nhờ đến “xã hội đen”, chi phí bỏ ra chiếm khoảng 40-70% khoản nợ, còn khi khởi kiện ra tòa và cơ quan thi hành án thực hiện thu nợ, chủ nợ phải bỏ ra khoản chi phí bằng 20-30% khoản nợ, nhưng chưa kể tiền “lót tay” và các khoản chi phí không chính thức khác.

Việc sử dụng “xã hội đen” đòi nợ cũng lấn lướt phương án thu nợ bằng cách thuê các dịch vụ thu nợ hợp pháp, khi thời gian trung bình của dịch vụ thu nợ hợp pháp khoảng 60-90 ngày, tỷ lệ thành công 70-80%.

Lý giải điều này, ông Phạm Văn Hoằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Đòi nợ AZ cho rằng, một phần do nhận thức của các chủ nợ chỉ quan tâm đến việc đòi được nợ mà không tính đến các vấn đề pháp lý khác. 

“Khi khoản nợ trở thành nợ khó đòi, chủ nợ đã tìm đủ mọi cách để đòi vẫn không được thì việc đầu tiên họ nghĩ đến là thuê một nhóm người có “máu mặt” để đi đòi nợ thay sao cho thu được nợ nhanh nhất mà không quan tâm nhóm người này hoạt động có hợp pháp hay không. Điều này là một rủi ro lớn đối với chủ nợ bởi nếu nhóm người này dằn mặt mạnh tay với khách nợ. Nếu hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng nghĩa với việc chủ nợ sẽ là người chịu ảnh hưởng”, ông Phạm Văn Hoằng cho biết. 

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Hoằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một ngành nghề nhạy cảm và cũng đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng của người tham gia chứ không chỉ là uy hiếp con nợ: “Việc đánh giá hồ sơ thu nợ, từ đó định hướng các biện pháp xử lý đòi hỏi cán bộ thu hồi nợ phải có kiến thức tổng quan của nhiều lĩnh vực như pháp luật, kinh doanh thương mại, tài chính, kế toán… Ngoài ra, nhân viên thu hồi nợ phải có các kỹ năng mềm nhất định như quyết liệt, mạnh mẽ đồng thời phải linh hoạt, nhẹ nhàng, biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và biết thuyết phục”.

Tuy vậy, do yêu cầu cấp bách nhất của chủ nợ là đòi được nợ nên, trên thực tế, ngay cả các công ty đòi nợ thuê cũng phải sử dụng đến các hình thức kiểu “xã hội đen” để thu nợ. Chẳng hạn như trường hợp Công ty Tai Ga (TP.HCM) đòi nợ có hành vi “khủng bố” hay nhân viên Chi nhánh Công ty Công Lý (TP.HCM) có hành vi câu kết với các đối tượng “xã hội đen” để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…

Chiếc áo có làm nên thầy tu?

Điều 9 của Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định nhân viên khi thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ phải có giấy giới thiệu, thẻ nhân viên có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ, đồng thời phải có giấy giới thiệu của DN. DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải cấp trang phục cho người lao động trong vòng 30 ngày sau khi Bộ Công an có hướng dẫn về mẫu trang phục. Đây là một trong những điểm thay đổi đáng quan tâm tại Dự thảo.

Đánh giá về điểm mới này, ông Phạm Văn Hoằng cho rằng, đây là quy định cần thiết và mang tính chuyên nghiệp giúp khách hàng và khách nợ có một cái nhìn khách quan về hoạt động đòi nợ. Đồng thời, đây cũng là biện pháp để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện hình ảnh công ty đòi nợ uy tín và có thâm niên lâu năm.

Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng một số DN không có chức năng đòi nợ, hoặc một nhóm người hoạt động với tư cách cá nhân tụ tập, gây rối ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đòi nợ của các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ uy tín, chuyên nghiệp.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, quy định này là cần thiết để tránh tình trạng nhân viên thu hồi nợ bằng mọi cách, sử dụng các hành vi gây sức ép gây ảnh hưởng đến quyền lợi của con nợ và trật tự xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định như trên thì cần siết chặt công tác quản lý, bởi “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nếu không quản lý tốt thì quy định đưa ra không có ý nghĩa gì. 

Theo luật sư Trương Thanh Đức, trước đó, trong Nghị định cũ cũng đã quy định rõ DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ không được thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động đòi nợ thuê thời gian qua cho thấy, nếu không quản lý tốt thì các DN vẫn tìm đủ mọi cách để lách, sử dụng các biện pháp na ná kiểu “xã hội đen”. Một số DN lách quy định bằng cách cho một nhân viên đáp ứng các yêu cầu theo quy định vào làm việc với chủ nợ, nhưng lại bố trí đám “xã hội đen” xăm trổ đầy mình đứng phía bên ngoài để thị uy...

Trước tính chất phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, Dự thảo Nghị định đã quy định thêm về việc Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; xử lý vi phạm hành chính.

Theo các chuyên gia, đây là thay đổi tất yếu, bởi với quy định cũ, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước còn mờ nhạt, lãnh đạo ngành tài chính cũng thừa nhận, trách nhiệm Bộ Công an chưa được quy định. Không những thế, lực lượng công an lại không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cụ thể, theo Dự thảo Nghị định, Bộ Công an giữ quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; kiến nghị thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn mẫu trang phục của nhân viên dịch vụ đòi nợ; xử lý các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ…

Đồng thời, cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, như: kiểm tra các giấy tờ hợp lệ về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; nội dung kinh doanh ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận...

Ngoài chế độ báo cáo (với cơ quan chức năng) như quy định hiện hành, DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê còn phải đăng ký lý lịch nhân viên với công an phường, xã, thị trấn; cung cấp cho cơ quan công an có thẩm quyền danh sách và thông tin có liên quan đến người làm trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, thống kê các phương tiện phục vụ cho công tác thu hồi nợ… Khi thực hiện hợp đồng đòi nợ thuê cũng phải thông báo bằng văn bản cho công an phường sở tại nơi thực hiện hợp đồng đòi nợ biết trước khi thực hiện.