Lên đường cấp cứu nạn nhân đúng đêm kỷ niệm ngày cưới

ANTD.VN - Mỗi khi có một vụ tai nạn hay ngộ độc tập thể lớn xảy ra ở những địa bàn xa xôi, khó khăn của Tổ quốc, khi mà việc cứu chữa cho các nạn nhân đã vượt quá khả năng của hệ thống y tế ở địa phương thì bao giờ cũng có những đoàn chuyên gia, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến Trung ương lập tức lên đường hỗ trợ…

Đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai lên hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân vụ ngộ độc rượu tại huyện Phong Thổ (Lai Châu)

Thế nhưng sau mỗi vụ việc này, không nhiều người biết đến những câu chuyện đời tư, những cảm xúc và cả những khó khăn rất lớn khác mà người bác sĩ nhận lệnh đi hỗ trợ cơ sở phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhận lệnh là lập tức lên đường 

Cho đến lúc này, mỗi khi nhắc lại vụ đứt dây cáp cầu treo Chu Va (ở xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) khiến một đoàn người đưa tang đang qua cầu rơi xuống suối làm 8 người chết và 37 người bị thương… vào đầu năm 2015, TS.BS Nguyễn Đình Hòa, Khoa Phẫu thuật cột sống - Bệnh viện Việt Đức vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc. Ngày xảy ra vụ tai nạn, 25-2-2015, cũng là kỷ niệm ngày cưới của người bác sĩ trẻ.

Thế nhưng khi nhận thông tin về vụ tai nạn, khi lãnh đạo 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội là Bạch Mai và Việt Đức quyết định tổ chức đoàn bác sĩ lên Lai Châu hỗ trợ cấp cứu, điều trị nạn nhân, bác sĩ Nguyễn Đình Hòa không do dự xung phong lên đường. Một đoàn giáo sư, chuyên gia hàng đầu khoảng 20 người của cả 2 bệnh viện được Bộ Y tế tổ chức di chuyển bằng trực thăng lên Lai Châu ngay đầu giờ chiều. Bác sĩ Hòa cùng một số bác sĩ khác lên tàu đi Lai Châu ngay sau đó.

“Chuyến công tác đột xuất, tôi chỉ kịp về qua nhà chuẩn bị hành lý, gặp vợ ít phút và mong vợ thông cảm vì đi xa đúng ngày kỷ niệm quan trọng, sau đó lập tức ra ga Hàng Cỏ để lên đường, thậm chí còn chưa kịp ăn tối. Chuyến đi thâu đêm, ngồi ăn mì tôm trên tàu, cả đêm không ngủ được vì tâm trạng ngổn ngang. Một phần thương vợ, phần lo lắng hơn vì vừa đi vừa nghe tin số vụ nạn nhân bị thương, tử vong trong vụ sập cầu vẫn không ngừng tăng” - TS.BS Nguyễn Đình Hòa nhớ lại. 

Đến Lai Châu lúc 5h sáng, các bác sĩ đến ngay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu vì không muốn chậm chễ phút giây nào. Tới bệnh viện, bệnh nhân nằm la liệt trên các giường cấp cứu, ít nhất khoảng 30-40 người, bác sĩ nào cũng đang vội vã làm nhiệm vụ, thế là bắt tay ngay vào phối hợp cùng các bác sĩ trong đoàn và các y bác sĩ của địa phương để cấp cứu bệnh nhân. Không kịp ăn sáng, quên cả chào hỏi đồng nghiệp, cứu người như cứu hỏa, công việc của bác sĩ là vậy nên chỉ đến khi xong nhiệm vụ mới thấy đói, mệt lả đi.

“Bệnh nhân hầu hết là người dân tộc, nhiều người không nói được tiếng Kinh nhưng chúng tôi vừa phải lo cấp cứu nạn nhân vừa phải giải thích làm sao cho người nhà bệnh nhân hiểu được tình trạng bệnh để tránh lo lắng và ổn định tình hình. Tôi ở lại tại Bệnh viện Lai Châu đúng 1 tuần, trực tiếp mổ 3 ca bệnh chấn thương cột sống cổ, ngực, thắt lưng, ca mổ dài nhất tới gần 4 tiếng đồng hồ và hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân khác.

Không những vậy, chúng tôi còn phải hướng dẫn cho các y bác sĩ ở bệnh viện tỉnh chăm sóc bệnh nhân. Một tuần làm việc đầy căng thẳng cũng đầy cảm xúc, vừa thương những người bệnh nghèo, vừa thấu hiểu khó khăn của y tế cơ sở và các đồng nghiệp công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bao nhiêu cảm xúc trái ngược, nhưng khi đã hoàn thành nhiệm vụ là một sự nhẹ nhõm rất lạ, thậm chí tôi còn làm được một bài thơ…” - bác sĩ Nguyễn Đình Hòa chia sẻ. 

Cũng theo người bác sĩ trẻ này, những thành tích của cá nhân anh và đoàn bác sĩ tuyến Trung ương đã được ghi nhận, bản thân anh được Chủ tịch tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen.

Vừa cấp cứu vừa tuyên truyền, vận động người dân

Cũng giống như trong vụ sập cầu Chu Va, đầu tháng 2-2017 này, khi xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 8 người chết, hơn 50 bệnh nhân nhập viện cấp cứu sau khi ăn uống tại một đám ma ở xã Ma Ly Chải (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), một đoàn bác sĩ hơn 20 người của Bệnh viện Bạch Mai lập tức lên đường hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng là thành viên trong đoàn bác sĩ lên Lai Châu kể lại, ngay khi xảy ra những ca tử vong đầu tiên nghi do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol, Trung tâm Chống độc - nơi điều trị tuyến cuối các nạn nhân ngộ độc rượu ở miền Bắc - đã cử một bác sĩ lên tiền trạm.

Bác sĩ này ngoài nhiệm vụ trực tiếp tham gia cấp cứu nạn nhân, còn phải phối hợp điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc (lúc đó chưa xác định được là do rượu pha cồn công nghiệp methanol) nên áp lực rất lớn, liên tục điện về báo cáo. 

“Tôi lên Lai Châu ở ngày thứ hai sau khi xảy ra vụ ngộ độc. Lúc này vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong nên nhiệm vụ hàng đầu là phải cấp cứu không để có thêm bệnh nhân tử vong. Ngoài khó khăn về cơ sở, trang thiết bị của y tế cơ sở khá hạn chế, trong quá trình cấp cứu người bệnh, chúng tôi còn kết hợp tuyên truyền, vận động nạn nhân và người nhà về tác hại của rượu vì đa số nạn nhân là người dân tộc, nhận thức rất hạn chế, cứ thấy rượu giá rẻ là sẵn sàng mua không quan tâm nguồn gốc.

Nhưng trăn trở lớn nhất của tôi là từ vụ ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol này cho thấy, loại rượu độc pha cồn công nghiệp chỉ có ở miền xuôi trước đây giờ cũng đã tràn lên miền ngược tiêu thụ, đầu độc bà con. Thực tế trước đây hầu như chưa ghi nhận vụ ngộ độc rượu methanol lớn nào ở khu vực miền núi phía Bắc cả. Sau vụ việc này, nếu không có sự siết chặt quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, chắc chắn lại có những vụ như ngộ độc ở Phong Thổ tiếp tục xảy ra” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên tâm sự.