Lao động "chui" ở nước ngoài: Rủi ro rình rập

ANTD.VN - Tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài qua những kênh không chính thống: đi du lịch, thăm người thân hay kết hôn giả… vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có thể bị ngược đãi, bóc lột. Đáng chú ý, liên tiếp trong những tháng gần đây, nhiều lao động làm việc tại Angola bị cướp tấn công, sự việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lao động chui ở xứ người.

Lao động "chui" ở nước ngoài: Rủi ro rình rập ảnh 1Lao động nhập cảnh, cư trú bất hợp pháp sẽ không được pháp luật bảo vệ (Ảnh minh họa)

Bỏ mạng nơi xứ người

Angola là thị trường lao động tiềm năng với mức lương khởi điểm hấp dẫn. Tuy nhiên, thị trường này cũng khiến người lao động gặp nhiều rủi ro, thậm chí mất mạng khi đi theo đường không chính thống. Đầu tháng 12-2016, 2 lao động Việt Nam cư trú tại tỉnh Huambo, Angola bị một nhóm cướp tấn công khiến 1 người tử vong, người còn lại bị thương nặng. Trước đó, hồi đầu tháng 3-2016, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng đăng thông báo về việc 2 lao động Việt Nam đang làm việc tại tỉnh Uige, Angola bị cướp bắn tử vong.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), ngay khi có thông tin về việc lao động Việt Nam tử vong tại Angola, Cục đã yêu cầu các công ty xuất khẩu lao động rà soát danh sách lao động đã phái cử. Kết quả cho thấy, những lao động nêu trên đã sang Angola không qua kênh chính thức của các công ty xuất khẩu lao động có giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, số lượng lao động sang làm việc tại Angola thông qua kênh chính thức của các công ty xuất khẩu lao động có giấy phép tại Việt Nam là rất ít. 

Bên cạnh tình hình an ninh phức tạp, khí hậu tại Angola cũng không phù hợp khiến nhiều lao động bị sốt rét, ốm đau, trong khi chi phí chữa bệnh rất cao nên sau thời gian thí điểm đưa lao động sang Angola hợp pháp, Bộ LĐ-TB&XH không thẩm định thêm bất cứ một hợp đồng lao động nào tại thị trường này.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đang cấp phép cho 6 doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động tại Angola. Các doanh nghiệp này đã phái cử được 251 lao động, cho đến nay chỉ còn 34 lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng tại Angola. Nhìn chung, những lao động được các doanh nghiệp đưa đi có việc làm, thu nhập, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt đảm bảo. Người lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong ngành xây dựng, mức lương cơ bản từ 800 - 1.000 USD/tháng. 

Nói không với đường “tiểu ngạch” 

Xuất khẩu lao động là lựa chọn của nhiều người mong muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo túng. Nhà nước cũng có những chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nghe theo những lời đường mật của những kẻ môi giới, nhiều lao động rơi vào cảnh sống chui lủi, trốn tránh pháp luật, đôi khi là mất cả mạng sống. 

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện có khoảng 40.000 công dân sinh sống và làm việc tại Angola. Mặc dù đây là thị trường tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động lại rất thận trọng khi khai thác bởi tình hình an ninh phức tạp. Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương khuyến cáo, lao động “chui” tại Angola nói riêng và các thị trường khác nói chung gặp rất nhiều rủi ro thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Chính vì vậy, người lao động chỉ nên đi làm việc tại nước ngoài thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép và có hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Angola. Ký hợp đồng với các doanh nghiệp này, người lao động sẽ được pháp luật cũng như doanh nghiệp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong thời gian làm việc tại Angola.

Người lao động không nên đi làm việc tại Angola theo kênh không chính thức bởi đi theo kênh này có nguy cơ gặp nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.

Những lao động khi nhận được thông tin tuyển chọn lao động đi làm việc tại Angola hoặc có nhu cầu đi làm việc tại Angola có thể liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước (đường dây nóng: 0438249517) để được hỗ trợ thông tin. Nếu công dân Việt Nam nghi ngờ hoặc phát hiện thấy cá nhân hoặc công ty nào có dấu hiệu lừa đảo đề nghị thông báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước biết để xử lý.