"Lạm phát" họp

ANTD.VN - Tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng nhằm kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây, phân trần cho tình trạng nhiều chỉ đạo trước đó của Thủ tướng đối với Bộ KH-ĐT chưa thực hiện, hoặc đã thực hiện nhưng với tiến độ chậm, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho rằng bên cạnh những vướng mắc do cơ chế, thủ tục thì một trong những nguyên nhân quan trọng là do… họp nhiều quá.

 “Trung bình mỗi tuần chúng tôi có 40 cuộc họp, tối thiểu cũng 30 cuộc. Chỉ riêng việc phân công họp cho lãnh đạo bộ cũng rất mệt mỏi. Nếu có ai đi công tác đột xuất thì công việc đảo lộn lên hết”.

Những thanh minh của lãnh đạo Bộ KH-ĐT một lần nữa lại cho thấy chuyện “họp nhiều hơn hành” vẫn chưa được cải thiện là bao trong một nền hành chính mà chúng ta đang ra sức cải cách để đi vào hiệu quả, thực chất hơn. Đây phải nói là một trong những thói quen khó bỏ của nền hành chính nước ta, đến nỗi nhiều người nói vui rằng nghề chính của cán bộ là đi họp.

Bộ Nội vụ trong một lần được chất vấn về tình trạng “bội thực” cấp phó ở các cơ quan Nhà nước, đã giải thích rằng: “Do nền hành chính họp hành nhiều, nên cần nhiều cấp phó để... đi họp”. Thực tế, họp nhiều, không chỉ tốn thời gian, tiền bạc, gây mệt mỏi cho cán bộ mà còn dẫn đến tình trạng loạn thông tin, loạn chỉ đạo, rồi thì cán bộ họp nhiều quá, thời gian đâu mà sâu sát thực tế, mà giải quyết công việc chuyên môn.

Rồi sinh ra chuyện có những lãnh đạo mà vẫn cùng một báo cáo, một bài phát biểu, chỉ cần thay đổi ngày giờ và các kiểu kính thưa để đem đi hết cuộc họp nọ đến hội nghị kia vẫn có những vụ việc các cơ quan, bộ ngành phải họp lên, họp xuống vẫn chưa tìm ra cách giải quyết…

Nói thế không phải để bài xích việc họp, vì họp là rất cần thiết để tập hợp các ý kiến, tìm ra giải pháp tốt nhất cho các vấn đề. Nhưng điều đáng nói ở ta là họp nhiều nhưng không thực chất, có những cuộc họp ông nói Đông, bà nói Tây, không liên quan đến nhau và cuối cùng họp mãi vẫn chẳng có kết luận, giải pháp nào được đưa ra.

Có những cơ quan chỉ cử cán bộ đi họp cho có, cho đỡ bị phê bình, khiển trách chứ chẳng đóng góp, cũng chẳng lĩnh hội được gì. Cán bộ họp nhiều thì xa rời thực tế, thế nên mới có những quy định mất bao nhiêu cuộc họp hành các kiểu để bàn thảo, nhưng vừa đưa vào áp dụng đã phải bãi bỏ vì sai sót, bất cập, quan liêu.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng “lạm phát” họp hành, nhưng có lẽ nguyên nhân then chốt là tình trạng không rõ người, rõ việc, chưa quy trách nhiệm cá nhân. Quyết định tập thể, trách nhiệm tập thể, mà tập thể nào cũng ngại việc, cũng né tránh thì đương nhiên các cuộc họp sẽ vẫn cứ kéo dài.

Một trong những yêu cầu quan trọng trong cải cách hành chính hiện nay là phải xác định rõ và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, phân cấp, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng. Chỉ khi thực hiện quyết liệt yêu cầu đó, thì cán bộ mới phải xắn tay vào làm, thay vì cứ họp hành mãi.