Kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân, không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"

ANTD.VN - Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2017 là rất phấn khởi, đáng hoan nghênh nhưng mới chỉ là bước đầu, nếu hỏi hài lòng không thì có thể nói là… chưa hài lòng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 18-11

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV được chốt lại bằng phần đăng đàn trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chiều 18-11.

Nỗi lo lớn nhất là “trên nóng, dưới lạnh”

Tham gia chất vấn Thủ tướng, đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) hỏi:    “Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành kinh tế - xã hội năm 2017 không? Trong những trăn trở về vận nước, nỗi lo lớn nhất của Thủ tướng về đất nước hiện nay là gì?”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là năm đầu tiên chúng ta đạt 13 chỉ tiêu mà Ban chấp hành Trung ương và Quốc hội giao cho Chính phủ.

“Kết quả đó rất phấn khởi, đáng hoan nghênh nhưng mới chỉ là bước đầu. Nền kinh tế quy mô còn nhỏ, thiên tai lũ lụt liên tục diễn ra nên mặt nào đó chúng ta còn lạc hậu, nhất là nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Hỏi hài lòng không thì theo tôi có thể nói là chưa hài lòng trong điều hành đất nước. Nếu mọi cán bộ đảng viên trên mọi miền đất nước làm hết sức mình, chắc chắn sẽ làm tốt hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.  

“Có 4 nỗi lo của đất nước hiện nay: Thứ nhất là tụt hậu, thứ hai là diễn biến hòa bình, thứ ba là tham nhũng và gần đây, diễn biến theo hướng suy thoái còn nguy hiểm hơn. Cái lo lắng chúng ta đang thảo luận ở đây là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, quan liêu, xa dân. Tất nhiên không phải tất cả nhưng cũng rất đáng báo động. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân, để không còn một bộ phận cán bộ nhân dân không tin tưởng, không còn “trên nóng, dưới lạnh” nữa”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, có 4 nỗi lo của đất nước hiện nay: Thứ nhất là tụt hậu, thứ hai là diễn biến hòa bình, thứ ba là tham nhũng và gần đây, diễn biến theo hướng suy thoái còn nguy hiểm hơn. “Cái lo lắng chúng ta đang thảo luận ở đây là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, quan liêu, xa dân.

Tất nhiên không phải tất cả nhưng cũng rất đáng báo động. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân, để không còn một bộ phận cán bộ nhân dân không tin tưởng, không còn “trên nóng, dưới lạnh” nữa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề đối ngoại và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp. Mặt khác, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa đủ mạnh, nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” có thể xảy ra. Việc tham gia và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế vẫn còn bất cập...

Kiên quyết chống tham nhũng, trọng dụng người tài

Băn khoăn việc các vụ án lớn liên quan tới tham nhũng, buôn lậu và nhất là lạm dụng quyền lực thời gian qua tuy được phát hiện nhiều nhưng chậm xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, ĐB Lê Thanh Vân tiếp tục chất vấn: “Phải chăng có vùng cấm liên quan tới các đối tượng này?”. Trả lời băn khoăn của ĐB, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Vì vậy, hệ thống hành pháp phối hợp với hệ thống tư pháp, cùng các cấp, các ngành xử lý nghiêm các vụ án đã phát hiện, đồng thời cần công khai kết quả sau khi xử lý để người dân yên tâm hơn.  

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà các nước đều có. Về giải pháp để phòng, chống tham nhũng, vừa qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng hoàn thiện thể chế đến kiểm tra, điều tra các vụ án tham nhũng và xét xử, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chính phủ cũng đang tiếp thu để điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần làm sao để không thể, không nên tham nhũng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ: “Chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội, với Trung ương về việc xem xét nâng lương cho cán bộ công chức - một biện pháp cần thiết khi tham nhũng vặt đang diễn ra”.

Vẫn liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của một số ĐB về tình trạng phân quyền, giao quyền trong hệ thống chính quyền còn “có vấn đề”, thậm chí ngại phân quyền, giao quyền vì ảnh hưởng đến lợi ích, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để có giải pháp hiệu quả thì trước hết cần phải làm rõ hơn trách nhiệm cá nhân.

“Có thực trạng sợ mất chức, mất quyền nên không giải quyết công việc được giao. Giải pháp chính là xử lý nghiêm các cá nhân đứng đầu trong giải quyết công việc. Chúng ta sẽ trình Quốc hội về việc phân cấp, trao quyền theo luật pháp. Trên Trung ương phải làm những việc vĩ mô. Ở địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sẽ được phân quyền ra sao…”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong công tác cán bộ cần phải hướng tới việc chọn người thật, việc thật, trọng dụng người tài.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) hỏi “nỗi lo lớn nhất của Thủ tướng về đất nước hiện nay là gì?”

Đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với hối lộ

Trước câu hỏi của một số ĐB về doanh nghiệp FDI vừa qua nhận được nhiều sự ưu đãi nhưng kết quả đem lại cho đất nước chưa tương xứng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, quản lý, giải quyết lao động và thúc đẩy phát triển đất nước. Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, phát triển doanh nghiệp FDI ở Việt Nam còn một số tồn tại, bất cập cần xử lý.

Thủ tướng chỉ rõ, đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế; một số doanh nghiệp vi phạm về vấn đề môi trường. “Cần phát triển mạnh mẽ FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI. Tinh thần là chúng ta cần cái gì thì kêu gọi đầu tư vào đó, chứ không phải kêu gọi mọi thứ, không phải đầu tư bất cứ giá nào”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngược lại, với doanh nghiệp tư nhân trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc đẩy mạnh phát triển để doanh nghiệp tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII là rất cần thiết. Muốn vậy, cần phải công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực giữa các loại hình doanh nghiệp, nhất là cải cách mạnh thủ tục hành chính, bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư như tiếp tục giảm chi phí, lệ phí, tránh kiểm tra chồng chéo.

“Nhân đây tôi đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với đưa hối lộ các cấp, ngành để giảm chi phí không chính thức”, Thủ tướng đề nghị. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành phải kiên quyết cắt bỏ các “giấy phép con” để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm Bộ, ngành nào “mọc” thêm điều kiện kinh doanh. 

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mục đích phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta, cái đích cuối cùng vẫn là nâng cao đời sống của người dân ở cả miền xuôi và miền núi, đô thị và nông thôn, giảm khoảng cách giàu nghèo. Do vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm mạnh mẽ hơn, đầu tư nguồn lực nhiều hơn đến những vùng chưa có điện, đường, trường, trạm, giải quyết tốt các chính sách đã ban hành đến tận người dân. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm của Thủ tướng

Kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân, không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" ảnh 3

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn chiều 18-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, để làm rõ các vấn đề ĐBQH nêu ra, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Chính phủ, người đứng đầu ngành Tòa án đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, nghiêm túc trả lời đầy đủ.

Không chỉ giải trình rõ nhiều vấn đề ĐB nêu mà còn thẳng thắn chỉ rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong lĩnh vực mình phụ trách, cam kết tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, quyết tâm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên còn có nhiều vấn đề, nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần có thời gian để đưa ra các giải pháp căn cơ, dài hạn. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm của Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC đồng thời đề nghị Chính phủ, ngành Tư pháp cần phải có giải pháp mạnh mẽ hơn, đột phá hơn để khắc phục các hạn chế đã được chỉ ra.