Kiểm toán Nhà nước: Có thiết bị y tế giá trúng thầu cao gấp 20 lần giá nhập khẩu

ANTD.VN -  Một số thiết bị y tế có giá bán so với giá nhập khẩu cao từ 4-7 lần, cá biệt có thiết bị cao hơn tới hơn 20 lần, như thiết bị monitor có giá mua 114 triệu nhưng giá nhập khẩu chỉ có 5,3 triệu đồng

Đây là khẳng định của Kiểm toán Nhà nước về chuyên đề công tác đầu tư mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về đầu tư mua sắm thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.

Về công tác đấu thầu, nhiều đơn vị chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về việc đấu thầu thiết bị y tế, đặc biệt là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập. Phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

Về vật tư, có loại chênh lệch gấp 6,7 lần như một cái kim bướm ở Bệnh viện Việt Đức có giá chỉ 1.090 đồng, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy là 7.350 đồng. Hay một dây chuyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai giá 3.675 đồng nhưng Bệnh viện Việt Đức giá 18.000 đồng…

Nhiều thiết bị y tế có giá trúng thầu cao gấp nhiều lần giá nhập khẩu (Ảnh minh họa)

Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, các đơn vị y tế xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định. Cá biệt, qua kiểm toán, đã phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách.

Về quản lý, sử dụng thiết bị y tế, qua kiểm toán tại Bộ Y tế cho thấy một số đơn vị sử dụng thiết bị y tế kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn lực. Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được…

Từ kết quả kiểm toán 11 tỉnh, thành phố cho thấy, có 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với giá trị hơn 371 tỷ đồng. Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (hơn 68 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng)...

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề nhiều lãnh đạo bệnh viện và Bộ Y tế phản ứng, cho rằng kết quả kiểm toán chuyên đề đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 có số liệu chưa chính xác, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến nay, Kiểm toán Nhà nước chưa nhận được văn bản chính thức nào phản hồi về kết luận kiểm toán.

“Toàn bộ kết luận kiểm toán chúng tôi công bố đều có bằng chứng, có danh sách cụ thể, trước khi công bố đã có sự trao đổi, lập biên bản xác nhận với các đơn vị được kiểm toán. Số tiền tuyệt đối lớn nhưng so với 15 bệnh viện, 8 tỉnh thành phố được kiểm toán thì tỷ lệ chỉ chiếm 1-3%”, ông Hòa khẳng định.

Đề cập thêm về kết quả kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, ông Trần Minh Khương, Kiểm toán trưởng khu vực 12, đơn vị đã kiểm toán tại 3 Sở Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh của Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum giai đoạn 2013-2015, cho biết việc mua sắm hầu hết đúng quy trình quy định về đấu thầu mua sắm nhưng có hiện tượng giá trúng thầu nhiều thiết bị có sự bất hợp lý, khi so sánh giá nhập khẩu của chính thiết bị đó.

“Tại Gia Lai, chúng tôi kiểm toán một số gói thầu thì thấy kết quả chung là giá trúng thầu so với giá nhập khẩu bán đến Việt Nam của nhà sản xuất, cao hơn khoảng 2,53 lần. Một số thiết bị có giá bán so với giá nhập khẩu cao từ 4-7 lần, cá biệt có thiết bị cao hơn tới hơn 20 lần, như thiết bị monitor có giá mua 114 triệu nhưng giá nhập khẩu chỉ có 5,3 triệu đồng”, ông Khương nói.

Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, không riêng gì Gia Lai mà tại nhiều địa phương khác, việc nhập khẩu thiết bị và các chi phí thủ tục cũng như vận hành thông thường chỉ chiếm khoảng 10% giá trị của thiết bị. Tuy nhiên, giải trình từ các đơn vị được kiểm toán cho biết họ không trực tiếp nhận được báo giá từ các nhà sản xuất, mà chỉ thông qua các đơn vị nhập khẩu. Sự bất hợp lý này là do sự độc quyền về nhà phân phối, trong đó các đơn vị sản xuất chỉ lựa chọn 1-2 nhà phân phối tại Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng các cơ quan quản lý giá của Nhà nước cần phải nắm rõ hơn về việc này để có sự điều chỉnh về cơ chế chính sách, đồng thời có trách nhiệm cảnh báo ngành y tế đảm bảo quản lý kinh phí nhà nước chặt chẽ hơn, song song với đảm bảo phục vụ nhân dân”, ông Khương nói.

Nói thêm về kết quả kiểm toán này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng cho biết, do nhân lực hạn chế nên kết quả kiểm toán mới chỉ “sờ vào một phần rất nhỏ của ngành y tế”. “Kiểm toán trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất thời gian qua mới là một phần rất nhỏ. Nếu có điều kiện, thời gian, hành lang cho phép kiểm toán toàn diện đấu thầu thuốc, dược, trang thiết bị y tế, hóa chất trong toàn quốc, chúng tôi sẽ chọn các điểm lớn để đánh giá toàn diện trách nhiệm của ngành y tế, người đứng đầu. Khi đó chúng ta sẽ còn nhiều vấn đề để bình luận” – lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước khẳng định.