Kiểm dịch... trên giấy?

ANTĐ - Những con lợn nặng khoảng 30kg, người đầy nốt mẩn đỏ, gầy yếu, không thể di chuyển được, nhưng chỉ cần bôi phẩm màu và thui kỹ trong rơm cho vàng ươm là có thể chuyển tới Hà Nội bán với giá… lợn mán.

Ảnh: Internet

Hơn một năm qua, những con lợn như thế đều đặn, ngang nhiên bán ở chợ tạm B6 Thành Công, Hà Nội mà không ai biết, cũng chưa một lần được lực lượng thú y lấy mẫu kiểm dịch. Ngay cả khi có nghi vấn chủ cơ sở kinh doanh này bán lợn bệnh, Trạm thú y quận Ba Đình vẫn chỉ tiến hành kiểm tra bằng cảm quan, không tiến hành lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy trình và vẫn kết luận đây là… lợn sạch.

Trong khi đó, tại cơ sở chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi cung cấp số “lợn mán” trên, kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy toàn bộ số lợn đang được nuôi nhốt và lợn đã giết mổ ở đây đều có biểu hiện bị mắc bệnh truyền nhiễm. Ngay sau đó, toàn bộ số lợn bị mắc bệnh đã được tiêu hủy và chủ cơ sở phải cam kết không tiếp tục giết mổ, kinh doanh các sản phẩm lợn mắc bệnh.

Như vậy cho thấy, đã có một lỗ hổng chết người trong quy trình quản lý, kiểm dịch động vật. Quy trình kiểm dịch của các cán bộ thú y quận Ba Đình trong trường hợp này khá phổ biến tại hầu hết các chợ ở Hà Nội: Nhân viên thú y chỉ cần xem qua biên lai giết mổ và nhìn bằng cảm quan, thậm chí nhiều nhân viên còn không cần những thao tác trên nhưng vẫn có thể xác nhận các loại thịt động vật là thịt sạch. 

Đó là quy trình kiểm dịch tại các chợ bán lẻ. Quy trình kiểm dịch tại các địa phương cung cấp sản phẩm động vật còn đáng lo ngại hơn. Theo thống kê, hiện Hà Nội phải nhập khẩu khoảng 60% sản phẩm động vật từ các địa phương khác. Tuy nhiên, công tác phối hợp còn nhiều hạn chế, lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng thịt bẩn nhưng vẫn ung dung tuồn về Hà Nội với tấm “bùa hộ mệnh” là giấy kiểm dịch ở các địa phương khác.

Theo quy định, động vật và sản phẩm động vật dù lưu thông trong tỉnh hay ra tỉnh ngoài đều phải lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định trước khi vận chuyển đi tiêu thụ, nhưng hiện nay đa phần các địa phương ngoại tỉnh cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cẩu thả, sơ sài (không ghi rõ ngày tháng, số lượng, không có con dấu...).

Việc lấy mẫu xét nghiệm gần như bị bỏ qua. Thậm chí một số địa phương còn sai phạm nghiêm trọng, chẳng hạn cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho gà thải loại Trung Quốc nhưng lại ghi là gà có nguồn gốc Việt Nam. Nhiều địa phương, giấy tờ kiểm dịch được mua bán công khai, vì vậy giấy tờ là thật nhưng sản phẩm lại không phải qua bất cứ quy trình kiểm dịch nào mà vẫn được cấp.

Hệ lụy là lợn chết, lợn bệnh cũng có thể vượt qua các trạm kiểm dịch để dễ dàng tiêu thụ trên thị trường. Với quy trình lỏng lẻo như vậy, chắc chắn không chỉ có lợn bệnh biến thành lợn mán, mà rất nhiều sản phẩm động vật khác người dân đang tiêu thụ có nguy cơ chỉ “sạch trên giấy”, còn chất lượng thật thì không biết thế nào.

Nhằm chấn chỉnh công tác kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở NN&PTNT: Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển lưu thông trong nước theo quy định.

Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện công tác kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển lưu thông trong nước; giám sát chặt chẽ việc ủy quyền kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển lưu thông trong nước…

Hy vọng, những cơ quan có trách nhiệm sẽ nghiêm túc chấn chỉnh công tác kiểm dịch, chứ cơ quan kiểm dịch cứ kiểm dịch bằng mắt thường rồi chứng nhận thịt bẩn là thịt sạch thì người dân biết tin ai?