Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế

ANTD.VN - Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng trong khi tình trạng “cha chung không ai khóc” trong công tác quản lý vẫn tồn tại. Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường tổ chức sáng qua (24-8).

Công nghệ sản xuất lạc hậu khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều làng nghề 

Chấm dứt “cha chung không ai khóc”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát do tích tụ nhiều năm trong quá trình phát triển. Ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai ngày càng nghiêm trọng, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung, nông thôn. Nhiều sự cố môi trường diễn ra đã gây những phản ứng gay gắt ở nhiều nơi, tạo ra nhiều điểm nóng phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, nếu không chủ động xử lý các điểm nóng này, có thể gây mất ổn định an ninh trật tự. Thực trạng trên cho thấy cần phải thay đổi tư duy, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, làm ảnh hưởng tới cuộc sống bình yên của người dân. 

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trực tiếp cấp phép, đặc biệt các sở, chi cục Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) bởi vẫn còn tình trạng “cha chung không ai khóc” dù đang có bộ máy quản lý đồ sộ.  

Báo cáo về thực trạng môi trường hiện nay, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải ngày/đêm; 615 cụm công nghiệp trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu.

Cả nước có hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 chất tấn thải nguy hại, hơn 125.000m3 nước thải y tế; có 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý... Hàng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh…

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, môi trường nước ta đang đứng trước những vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý. Thực tế đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng. Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua đã gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài; làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bất an trong nhân dân.

Phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh”

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư. 

Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường. Do đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay. Theo đó, cần tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TN-MT tiếp thu ý kiến về quan điểm, giải pháp mà các địa phương, bộ, ngành và các thành viên của Chính phủ đã nêu để đưa vào Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải có nghị quyết của riêng về bảo vệ môi trường và phải xây dựng đề án rà soát giải quyết vấn đề môi trường một cách chủ động.

Hà Nội xã hội hóa các dự án xử lý ô nhiễm 

Tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trong thời gian qua luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Hà Nội đã xử lý 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường theo chỉ đạo của Chính phủ; xử lý 3/3 cơ sở ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng...

Hà Nội cũng đã triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể là xã hội hóa dự án xử lý nước thải tại các làng nghề; kêu gọi xã hội hóa xây dựng công trình cống Liên Mạc để xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và sông Tô Lịch; đẩy mạnh tiến độ dự án xử lý nước thải Yên Xá; bổ sung công suất cho dự án xử lý nước thải tại Hồ Tây... Từ đầu năm tới nay, Hà Nội cũng đã khởi công 6 dự án cải tạo hồ và công viên và trồng mới cây xanh để cải tạo môi trường”.