Không đánh đổi môi trường bằng mọi giá

ANTD.VN - Chỉ trong vòng ít ngày, 2 dự án quy mô lớn tại Ninh Thuận và Nghệ An đã bị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng để làm rõ nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là việc đánh giá tác động môi trường. 

Cụ thể, tại Ninh Thuận là dự án thép Cà Ná quy mô 10,6 tỷ USD của Tập đoàn Hoa Sen và tại Nghệ An là dự án trang trại nuôi lợn khoảng 1.000 tỷ đồng của Tập đoàn Masan.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dự án thép Cà Ná mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị dự án còn vội vàng, thông tin về dự án còn chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng đề xuất dự án này để làm rõ một số vấn đề như nhu cầu thị trường để xác định quy mô công suất, thời điểm phát triển dự án hợp lý.

Đặc biệt, sự cố môi trường tác động tới nhiều tỉnh ven biển miền Trung do Formosa gây ra cũng là bài học lớn cần nghiêm túc nhìn nhận khi triển khai các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, đối với dự án này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan chức năng cũng cần đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đảm bảo dự án an toàn, không xảy ra sự cố.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng gợi mở những hướng phát triển bền vững hơn đối với Ninh Thuận như đầu tư vào phát triển năng lượng sạch, điện mặt trời, du lịch, nông nghiệp hữu cơ… để mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. 

Trong khi đó, dự án trang trại nuôi lợn của tập đoàn Masan tại Nghệ An được yêu cầu dừng thi công và xây dựng do vi phạm các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chủ dự án triển khai thi công xây dựng trong khi chưa bàn thảo, đánh giá tác động môi trường của dự án. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình dừng triển khai.

Theo các chuyên gia, việc một tập đoàn lớn, am hiểu về đầu tư, về pháp luật triển khai dự án cả nghìn tỷ đồng nhưng lại bất chấp quy định pháp luật, tiến hành xây dựng trước khi có phê duyệt đánh giá báo cáo tác động môi trường là điều khó có thể chấp nhận. Nhất là khi quan điểm về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đó là đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân.

Có thể nói, trong những năm qua, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện nhiều sự cố ô nhiễm môi trường gây lo lắng, bức xúc cho người dân và được dư luận đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân của vấn đề này cũng được các cơ quan chức năng xác định là do nhiều doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó là những yếu kém trong công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường, chưa kể trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong ban hành chính sách, pháp luật, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra còn nhiều bất cập… 

Chính vì vậy, việc kịp thời yêu cầu các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nêu trên tạm dừng triển khai đã nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ nhân dân. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, với những doanh nghiệp bất chấp các quy định về bảo vệ môi trường cần nhận được những chế tài xử lý nghiêm khắc hơn để làm gương cho các doanh nghiệp có ý định tương tự, có như vậy doanh nghiệp mới không “nhờn” luật, coi thường cơ quan quản lý, coi thường nhân dân.