Không có quà tặng cô, phụ huynh áy náy

ANTD.VN - Vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, việc tặng quà để thể hiện lòng biết ơn với thầy cô đã thành truyền thống. Nhưng những câu chuyện đằng sau món quà lại đang khiến Ngày 20-11 mang màu sắc thực dụng. 

Không có quà tặng cô, phụ huynh áy náy  ảnh 1Hãy để học sinh tặng quà cho thầy cô từ chính tấm lòng của mình

Ngày càng ít tặng hoa 

Không chỉ vì bận rộn với công việc, không có thời gian chọn quà, nhiều phụ huynh chọn cách tặng tiền nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 còn bởi lý do khác. “Ai cũng mang theo bó hoa, túi quà lỉnh kỉnh đến tặng cô thì cô cầm về sao hết. Lớp có tới 55-60 cháu, mua hoa quá lãng phí, quà thì không biết cô thích gì, mua về không dùng cũng lãng phí. Tốt nhất vẫn là tặng phong bì cho nhanh gọn” - chị Nguyễn Hoài An, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công (Ba Đình) chia sẻ. Quan điểm của chị An, tặng tiền để cô tự sắm quà theo nhu cầu. “Không ít thì nhiều, tùy mỗi gia đình, nhưng những ngày này, có chút quà biếu cô cũng là để thể hiện thành ý, cảm ơn thầy cô dạy dỗ con mình. Không có quà, quả thật là mình rất áy náy, không biết cô có thông cảm hay không hay lại nghĩ phụ huynh không quan tâm, rồi thì vẫn là con mình thua kém bạn bè…” - chị An cho biết.

Nhiều giáo viên ở Hà Nội cũng không còn lạ lẫm với quà tặng là tiền. Tuy nhiên, câu chuyện về những chiếc phong bì vẫn khiến nhiều thầy cô phải suy nghĩ. “Có em học sinh tặng tôi một bó hoa và chiếc phong bì dán kèm. Em nói rằng bố mẹ em bận công tác nên không gặp cô được. Tôi vui vẻ nhận bó hoa nhưng phong bì thì bảo em cầm trả lại bố mẹ. Buổi tối, mẹ em gọi điện nói cô nghiêm khắc quá, gia đình bận không đến được mới phải để con tặng quà. Tôi phải giải thích, quà của gia đình cô đã nhận. Còn chiếc phong bì, nếu giáo viên nhận từ chính học sinh của mình thì các em sẽ nghĩ gì về tư cách giáo viên nên tôi không dám nhận, mong gia đình thông cảm!” - cô Trần Minh Hà, giáo viên THCS quận Đống Đa chia sẻ.  Những món quà được tặng kiểu như vậy đang khiến các nhà giáo mất điểm trong con mắt học trò, đồng thời khiến giáo viên cảm thấy sự thiếu tôn trọng cần thiết để có động lực hơn trong công việc trồng người của mình.

Những món quà nhiều mục đích

Quà tặng thầy cô nhân ngày 20-11 là hành vi đẹp nếu chỉ đơn thuần là để bày tỏ sự biết ơn thầy cô. Tuy nhiên, chuyện săn tìm những món quà độc, hàng hiệu để biếu tặng thầy cô đang diễn ra tại những trường “VIP” hay lớp ngoại giao, lớp chất lượng cao… lại mang màu sắc khác.

Không ít phụ huynh  “đau đầu” tìm cách tặng quà thầy cô bởi họ cho rằng đây là cách để con mình được thầy cô để ý và quan tâm nâng đỡ. “Rõ ràng là có những phụ huynh đang vin vào cớ này để “chạy” điểm, kiếm học bạ đẹp cho con. Sự quan tâm của thầy cô tới con em được đánh đổi bằng sự mặc cả ngầm, bằng rất nhiều cách ngoại giao của phụ huynh.

Đặc biệt, ở Hà Nội, việc học bạ đẹp ở bậc tiểu học thì sẽ quyết định việc vào được những trường chất lượng cao bậc THCS. Học bạ đẹp bậc THCS thì sẽ được cộng điểm tuyệt đối vào THPT. Vậy nên đây là dịp để các bậc phụ huynh “thắt chặt” quan hệ với thầy cô”- chị Hoài An cho biết. Ở bậc học càng thấp như mầm non, tiểu học, bố mẹ tặng quà giáo viên với tinh thần “đánh đổi” càng rõ, bởi quan niệm con mình cần được quan tâm hơn. Đã có phụ huynh bậc mầm non tỏ ra rất thất vọng khi mình “quan tâm” đến cô như vậy, thậm chí hàng tháng đều biếu thêm cô vài trăm nghìn mà sao con mình vẫn không được ưu tiên, chăm sóc đặc biệt.

Việc đánh đổi những món quà xịn để xin điểm, “trang hoàng” thành tích cho con thực sự đang khiến cho Ngày Nhà giáo Việt Nam như một dịp để trao đổi qua lại thay vì mang ý nghĩa tri ân với thầy cô. Tuy nhiên, điều cần nhìn nhận là dù thực tế này đang diễn ra nhưng cũng chủ yếu ở các thành phố lớn. Với những vùng nông thôn, vùng núi, hải đảo, món quà trong Ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn giữ nguyên vẻ đẹp của tình thầy trò. Đó mới là những món quà đáng trân trọng bởi xuất phát từ lòng biết ơn với những người thầy vẫn đang hết mình vì học sinh mà không hề trông đợi vào những chiếc phong bì hay những món quà hàng hiệu.