Không cho phép rút hồ sơ trúng tuyển đại học

ANTD.VN - Ngày 25-8, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Trần Văn Nghĩa khẳng định không có bất cứ thí sinh nào trúng tuyển nguyện vọng 1 rút hồ sơ nhập học để nộp chỗ khác vì hệ thống tự động đã khóa mã. 

Thí sinh không có cơ hội nộp hồ sơ trường khác khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1

Lần đầu tiên trường quân sự tuyển bổ sung

Kỳ xét tuyển đại học năm nay liên tục phát sinh những điểm mới. Trong khi các trường tốp đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội đều phải tuyển bổ sung vì thí sinh không nhập học đủ trong đợt xét tuyển đầu tiên, thì lại xuất hiện tình trạng thí sinh trúng tuyển rồi xin rút hồ sơ khỏi những trường này.

 Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên, theo các trường nhận định, là do việc 18 trường khối quân sự công bố chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung. Theo đó, bắt đầu từ 25-8, các trường khối quân sự sẽ nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt I. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, 18 trường quân đội thuộc Bộ Quốc phòng cũng thiếu chỉ tiêu, phải xét tuyển bổ sung tới 1.165 thí sinh.

Trong đó, trường Sĩ quan chính trị tuyển nhiều nhất, 265 thí sinh, Học viện Hậu cần 162, Học viện Kỹ thuật quân sự 135, Học viện Quân y thiếu 65 chỉ tiêu. Các trường này sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ nay đến hết ngày 29-8. 

Với thông báo tuyển bổ sung này, nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn liền nảy sinh ý định chuyển hướng, muốn rút hồ sơ để nộp vào các ngành thuộc khối quân sự. Điều này dẫn đến tình trạng hàng loạt thí sinh dù đã trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu như Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân… vẫn muốn rút hồ sơ.

Trước tình trạng nhiều thí sinh chầu trực tại hội đồng tuyển sinh một số trường đại học xin được giải quyết rút hồ sơ đã nộp để chuyển sang trường khác trong đợt xét tuyển bổ sung lần này, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, Bộ GD-ĐT hay bất cứ trường đại học nào cũng không thể thay đổi danh sách học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 đã nộp hồ sơ.

“Hệ thống tự động của phần mềm xét tuyển đã chốt danh sách nên không thể thực hiện bất cứ thao tác gì để thay đổi khi thí sinh muốn rút hồ sơ ra để nộp vào trường khác. Điều này là đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT” - ông Trần Văn Nghĩa giải thích.

Hệ quả tất yếu của việc hạ điểm chuẩn 

Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, một số thí sinh cũng tới trường xin rút hồ sơ với lý do có nguyện vọng nộp trường khác mặc dù bản thân các em đã nắm được quy định và cán bộ nhà trường đã giải thích rõ với phụ huynh quy chế năm nay không cho phép thí sinh rút hồ sơ đã nộp.

Ông Bùi Đức Triệu cho rằng, việc thí sinh xin rút hồ sơ là hiệu ứng tất yếu của quy định cho phép các trường hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung trong quy chế tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, ông Bùi Đức Triệu lưu ý thí sinh, giả sử các trường có cho phép các em rút hồ sơ thì đồng nghĩa với việc hủy mã xét tuyển đã cập nhật trên hệ thống của Bộ.

Khi thí sinh nộp hồ sơ vào trường khác, trường đó nhập mã xét tuyển thì hệ thống thông báo hết hiệu lực và thí sinh không có quyền xét tuyển nữa. 

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đến giờ này, chưa có trường hợp nào thực sự rút hồ sơ. Đối với những thí sinh kiên quyết rút, ĐH Bách khoa đồng ý giải quyết cho thí sinh nhưng phải làm cam kết nếu có vấn đề bất trắc trong quá trình nộp hồ sơ, nhập học vào trường khác, thí sinh phải chịu trách nhiệm, không được quay lại trường để khiếu nại.

“Quan điểm của trường là nếu thí sinh không tha thiết học ở đây thì sẽ tạo điều kiện, dành cơ hội cho những em khác muốn vào trường. Nên đặt nguyện vọng của người học lên hàng đầu vì có như vậy mới tạo được động lực học tập”, ông Nguyễn Phong Điền khẳng định.

 Đối với đợt xét tuyển bổ sung lần này, Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách, chỉ tiêu của hơn 150 trường đại học, học viện còn chỉ tiêu. Đợt xét tuyển này kéo dài từ ngày 21 đến 31-8. Nhiều trường tốp đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển bổ sung khoảng 700 chỉ tiêu, ĐH Y Hà Nội hơn 200 chỉ tiêu...

Tuyển gần 70% chỉ tiêu trong đợt tuyển sinh đầu tiên

Theo số liệu thống kê các trường báo cáo về Bộ GD-ĐT, đến nay, cả nước đã có 220.000 thí sinh đã nộp Giấy chứng nhận kết quả thi khẳng định nhập học tại các trường trong đợt 1. Con số này đạt xấp xỉ 70% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ này chỉ thấp hơn khoảng 5% so với thời kỳ tuyển sinh 3 chung trước đây. Tuy nhiên, số lượng thí sinh thực tế trúng tuyển cao hơn rất nhiều so với khi thi 3 chung do chỉ tiêu tuyển sinh năm nay rất lớn so với khi thực hiện 3 chung. Như vậy, các đợt tuyển bổ sung tiếp theo sẽ còn trên 30% chỉ tiêu vào các trường đại học.