Khó cải thiện chất lượng giáo dục nếu không thay đổi người thầy

ANTD.VN - Với mục tiêu thu hút người tài với chế độ đãi ngộ đúng mức, chủ trương bỏ biên chế giáo viên của Bộ GD-ĐT đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận lại chế độ công chức, viên chức ngành Giáo dục nói riêng và các ngành khác nói chung trên quan điểm sức lao động thị trường. 

- Hàng triệu giáo viên sẽ bị ảnh hưởng nếu ngành Giáo dục quyết định bỏ công chức, viên chức. Theo ông, căn cứ để đưa ra chủ trương này có đủ sức thuyết phục?

- Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường, sức lao động cũng là một thị trường cần phải quan tâm. Khu vực tư nhân, khu vực ngoài quốc dân, kinh tế ngoài quốc dân họ tuyển được nhiều người giỏi, rõ ràng công việc của họ rất hiệu quả. Tại sao chúng ta không phát triển theo hướng đó? Trong khi, ngành Giáo dục nói riêng và công chức, viên chức nói chung của ta hiện nay đều rất thừa.

Đối với ngành Giáo dục, chất lượng giáo dục có nhiều yếu tố tác động, trong  đó, yếu tố quyết định là đội ngũ nhà giáo. Chúng ta đang loay hoay thay đổi chương trình, thay đổi sách giáo khoa, thi cử…, nhưng không thay đổi người thầy thì rất khó cải thiện chất lượng giáo dục. Người ta đã đúc kết ra một chân lý, nền giáo dục của một đất nước không vượt quá tầm ông thầy của đất nước đó. Tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ Bộ GD-ĐT bỏ công chức, viên chức giáo viên.

- Việc bỏ biên chế giáo viên, theo ông, liệu có đạt được mục đích loại bỏ tiêu cực, đưa giáo dục đi vào thực chất như lãnh đạo ngành Giáo dục mong muốn?

- Ngành Giáo dục của chúng ta chưa dựa vào những quy luật tích cực của nền kinh tế thị trường. Bây giờ thay đổi giáo viên là dựa vào quy luật kinh tế thị trường. Mỗi trường học phải là một thương hiệu, học sinh, phụ huynh phải là khách hàng.

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường đang ảnh hưởng nhiều tới giáo dục với những biểu hiện như dạy thêm, học thêm, “chạy” lớp, “chạy” trường… Nếu chúng ta sòng phẳng với nhau, đánh giá năng lực và sự cống hiến của mỗi con người bằng tâm huyết, sự sáng tạo của mỗi nhà giáo một cách đúng đắn, thì chắc chắn chúng ta mới đẩy lùi được căn bệnh “chạy” cũng như những tiêu cực khác trong ngành Giáo dục.

Khó cải thiện chất lượng giáo dục nếu không thay đổi người thầy ảnh 2Sẽ có chuyển biến về chất lượng giáo dục nếu áp dụng bỏ biên chế giáo viên

- Nhiều ý kiến cho rằng bỏ biên chế cần bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo để tránh tiêu cực khi được giao quyền tuyển hợp đồng, ông có đồng ý với quan điểm này?

- Hiệu trưởng hay Hiệu phó cũng là giáo viên giỏi được đề bạt lên, họ cũng phải cùng thuyền. Nếu Hiệu trưởng, Hiệu phó không ai động đến được thì chắc chắn việc tuyển giáo viên sẽ méo mó. Do đó, theo tôi, tất cả cán bộ công nhân viên chức ở các nhà trường, từ lãnh đạo đến nhân viên đều thực hiện theo cơ chế bỏ công chức, viên chức.

- Đối với giáo viên có thâm niên thì liệu có nên “ưu đãi” bằng cách vẫn áp dụng viên chức và chỉ tuyển hợp đồng với giáo viên trẻ không, thưa ông?

- Tôi cho rằng không nên. Toàn bộ cán bộ, viên chức giáo dục, từ lãnh đạo đến nhân viên trong mỗi nhà trường đều phải thực hiện một cơ chế quản lý, một cơ chế tuyển chọn. Tuy nhiên, với giáo viên có thâm niên nhiều năm, họ cần được ưu tiên bồi dưỡng và họ có thời gian để chuyển đổi, không ai được đứng ngoài quy luật này. 

- Vậy theo ông, việc bỏ biên chế giáo viên cần những điều kiện gì để thực hiện?

- Chủ trương này sẽ được ủng hộ nếu đảm bảo được những người tài, giỏi được đánh giá cao, lương phải được hưởng tương xứng. Không những trả tiền lương theo hiệu quả công việc, ở đây đãi ngộ thể hiện được giáo dục là quốc sách hàng đầu, thể hiện những người giỏi mong muốn vào ngành Giáo dục để phát triển. Có như vậy, chúng ta sẽ có được đội ngũ nhà giáo tâm huyết, tài năng, nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. 

Việc tuyển chọn giáo viên theo xu hướng này luôn phải làm, không chỉ làm 1-2 năm rồi bỏ. Cách đánh giá phải liên tục mới làm cho ngành Giáo dục đi vào chất lượng, phát triển theo đúng quy luật của nó. Tuy nhiên, việc áp dụng phải có lộ trình và tất cả các ngành phải làm.