Khai thác tài nguyên biển gắn với bảo vệ chủ quyền

ANTĐ - Ngày 22-10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã đọc Tờ trình Dự án Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. 

Khai thác tài nguyên biển gắn với bảo vệ chủ quyền ảnh 1Ngư dân bám ngư trường sản xuất giữ vững chủ quyền biển đảo

Phương thức mới để quản lý tài nguyên biển

Dự luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo quy định về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; Tài nguyên hải đảo; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo… 

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, thời gian qua, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển. Điều này đã làm hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo, dẫn tới sự nghèo nàn của nguồn lợi thủy sản. Do vậy, “cần áp dụng một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đó là phương thức quản lý tổng hợp” -  Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật này của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý, việc ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo phải khắc phục được tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý thực hiện bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. 

ĐBQH phải có chính kiến

Cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tiêu chuẩn ĐBQH không chỉ phải trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân mà điều quan trọng không kém là phải có phẩm chất trình độ, năng lực cao. Trong đó, Luật phải quy định rõ yếu tố năng lực của ĐBQH, nhấn mạnh ĐBQH phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động, có năng lực làm đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri và Quốc hội về lời nói, hành động của mình. ĐBQH chuyên trách càng phải có tiêu chuẩn cao hơn, có kỹ năng giám sát, độc lập thẩm tra. Nhiều đại biểu cũng tán thành quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội như dự thảo Luật và bổ sung chức danh này vào danh sách lấy phiếu tín nhiệm.

Các đại biểu cũng đề nghị thay đổi quy định về việc từ chức của các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo đó, thay vì “lãnh đạo tín nhiệm thấp có quyền xin phép từ chức” như quy định tại dự thảo, nhiều ĐBQH cho rằng, cần đổi chữ “có quyền” thành “phải từ chức” nếu tín nhiệm thấp để tăng sức mạnh, thể hiện tính khẳng định cao hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa (hoặc hai phần ba) tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.