Khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Tập trung vào nhiều vấn đề "nóng"

ANTD.VN - Sáng nay, 22-5, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc kỳ họp thứ 3, kéo dài trong 23 ngày làm việc và dự kiến bế mạc vào ngày 21-6. 

Kỳ họp lần này Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian chất vấn các thành viên Chính phủ

Tại phiên khai mạc sáng nay, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2017. Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân... 

Tăng thời lượng chất vấn

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn  quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Cùng ngày, Quốc hội sẽ nghe tờ trình dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)…

Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, cụ thể sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. 

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và các vấn đề quan trọng của đất nước. Một điểm mới nữa tại kỳ họp thứ 3 là Quốc hội sẽ nâng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày như trước đây lên 3 ngày.

Không thể né tránh hay trả lời chung chung

Trao đổi với phóng viên về nội dung kỳ họp, ĐB Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho biết, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn luôn được cử tri và ĐBQH đặc biệt quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất tăng thời lượng phiên chất vấn lên thành 3 ngày nhằm đáp ứng mong đợi của cử tri, của ĐQBH; đồng thời còn tăng hiệu quả, chất lượng hoạt động chất vấn.

Tăng thời gian chất vấn đồng nghĩa số Bộ trưởng, Trưởng ngành được chất vấn sẽ tăng lên, nội dung chất vấn sẽ nhiều hơn, sâu hơn, đòi hỏi các Bộ trưởng, Trưởng ngành phải có những câu trả lời cụ thể hơn, rõ ràng hơn chứ không thể né tránh hay trả lời chung chung.

“Vừa qua xảy ra một số trường hợp luật vừa thông qua, chưa có hiệu lực đã phải làm lại, đó là điều rất đáng tiếc, không mong muốn. Ở kỳ họp này, dù là kỳ họp giữa năm nhưng tôi thấy trong chương trình làm việc dự kiến, Quốc hội chỉ xem xét thông qua 13 luật và cho ý kiến về 5 luật. Điều đó thể hiện mong muốn của Quốc hội là không chạy theo số lượng mà phải quan tâm đến chất lượng”, ĐB Phạm Tất Thắng nói. 

Thực tế, có một số dự án luật ban đầu dự kiến sẽ đưa ra xem xét tại kỳ họp này nhưng do ban soạn thảo chưa chuẩn bị kỹ nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội dứt khoát không đưa vào chương trình kỳ họp, không ép tiến độ. Đây là tín hiệu để tin tưởng chất lượng xây dựng luật sẽ tốt hơn. 

Cũng về nội dung kỳ họp, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết rất quan tâm đến việc Quốc hội cho ý kiến vào các báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, đặc biệt là lĩnh vực cải cách hành chính. “Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 nhưng nói về cải cách hành chính, chúng ta mới chỉ thống kê đã đạt bao nhiêu phần trăm dịch vụ công trực tuyến…, không thể hiện rõ điều gì cả.

Tại Quốc hội cũng chưa có nhiều thời lượng bàn sâu về nội dung này, nên tôi mong muốn lần này sẽ có nhiều ý kiến đi sâu hơn bởi cải cách hành chính sẽ tạo ra sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, còn không làm được thì chúng ta sẽ bị tụt hậu” - bà Trần Thị Quốc Khánh nói. 

Một vấn đề khác được cử tri, các ĐBQH quan tâm là chất lượng của chính các ĐBQH. “Ngay từ khâu thẩm định hồ sơ Quốc hội cần kiên quyết đưa ra khỏi danh sách những ứng viên đang có dấu hiệu vi phạm, tránh trường hợp họ trúng cử rồi sau này chúng ta lại phải xử lý. Tại phiên họp này, tôi mong chờ Thường vụ Quốc hội sẽ có thông báo, giải thích rõ hơn tới các ĐBQH về trường hợp ông Võ Kim Cự”, bà Trần Thị Quốc Khánh nêu ý kiến.