Kéo dài thời gian góp ý dự thảo đổi mới giáo dục

ANTD.VN - Theo kế hoạch, ngày 29-4 là hạn cuối lấy ý kiến dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn và gây nhiều tranh cãi nên Chính phủ yêu cầu kéo dài đến hết ngày 20-5-2017.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông cho biết, với tổng số hơn 15.000 câu hỏi về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ở trên tất cả các báo, mạng xã hội, đa số tập trung vào 3 yếu tố then chốt: giáo viên có thay đổi không, cơ sở vật chất có đảm bảo không, chính sách quản lý, thi cử có thay đổi không. 

Kéo dài thời gian góp ý dự thảo đổi mới giáo dục ảnh 1Giáo viên phải nhiệt huyết, yêu nghề mới có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Khổ vì giáo viên yếu kém

Góp ý về đội ngũ nhà giáo trước yêu cầu đổi mới giáo dục theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng THPT Yên Hòa, Hà Nội đề nghị ngành GD-ĐT nên coi đây là một cơ hội tốt để thanh lọc và tinh giản đội ngũ. Giáo viên nào năng lực yếu kém đã qua bồi dưỡng, đào tạo lại mà vẫn không đạt yêu cầu thì cần cho dừng công tác giảng dạy.

“Nếu giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn mà vẫn không đạt thì cũng đừng bắt học sinh phải học những giáo viên đó. Giáo viên không đủ năng lực sẽ không có nhiệt huyết. Đừng bắt học sinh phải học những giáo viên vừa không có năng lực lại không có cả tâm huyết với nghề” - bà Nguyễn Thị Nhiếp góp ý. 

Đây cũng là quan điểm của bà Nguyễn Thanh Thủy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh, Hà Nội. Bà Nguyễn Thanh Thủy khẳng định học sinh sẽ rất khổ nếu phải học những giáo viên yếu kém và cho biết, các cấp cơ sở đang lo lắng vì năm 2018 đã bắt đầu thực hiện chương trình phổ thông mới nhưng vẫn chưa biết công tác bồi dưỡng giáo viên bao giờ sẽ thực hiện và như thế nào. 

 Để có căn cứ biết giáo viên hiện nay có thể đáp ứng đến đâu nếu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội đề nghị cần có đánh giá thực chất về đội ngũ giáo viên hiện nay để biết ở từng môn học giáo viên đang thiếu gì, cần bổ sung như thế nào. 

Nghiêm túc tiếp thu, làm rõ vấn đề tranh luận

Hoàn toàn đồng ý về vai trò của đội ngũ quản lý, giáo viên, GS.TSKH Đỗ Đức Thái khẳng định, nếu không thay đổi được đội ngũ giáo viên, cách đánh giá, thi cử thì tất cả những công sức về đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy sẽ “xuống sông, xuống biển”. Tuy nhiên, khi nói về cơ chế, chính sách cho nhà giáo, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng, việc tăng tiền lương là vượt quá sức của Bộ GD-ĐT vì còn phụ thuộc vào kinh tế của đất nước.  

Trước nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình tổng thể, ngày 25-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 20-5-2017 để các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và nhân dân tiếp tục góp ý. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, cùng với việc nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng, Bộ GD-ĐT cần trao đổi, làm rõ những vấn đề còn tranh luận. Có rất nhiều ý kiến đóng góp, tâm huyết bởi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề lớn. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã đưa dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lấy ý kiến lần thứ hai với thời hạn từ ngày 12 đến 29-4-2017.