Hỏa hoạn: Nhà ống thành bẫy chết người

ANTD.VN - Kiến trúc “nhà ống” bộc lộ nhiều yếu điểm chết người trong tình huống hỏa hoạn. Song hiện nay, những ngôi nhà xây dạng ống vẫn tồn tại nhiều ở các đô thị lớn như Hà Nội. 

Hiện trường nhà ống cháy gây tử vong 1 người tại Mộ Lao, Hà Đông

Lỗi khách quan, chủ quan 

Vụ cháy xảy ra chiều 22-8 tại nhà số 143, tổ dân phố số 6 Khu giãn dân Mộ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, khiến 1 người tử vong một lần nữa cho thấy nguy cơ chết người ở “nhà ống” và cả sự thiếu kỹ năng thoát nạn, xử lý sự cố của người dân.

Hiện trường cháy là ngôi nhà 5 tầng rộng chừng 50m2, kinh doanh vải, đồ may mặc. Nếu căn cứ theo quy chuẩn PCCC, thì ngôi nhà này không đạt yêu cầu cho một cửa hàng kinh doanh, nhất là lại làm kho chứa vải vóc, loại nguyên liệu dễ cháy lan, cháy lớn.

Hiện trường cháy nhà ống dùng làm quán karaoke tại Giảng Võ

Theo tài liệu khám nghiệm hiện trường của cơ quan chức năng, ngôi nhà dạng ống này có duy nhất 1 cửa tại mặt tiền, trong khi đó hàng hóa chất đầy chỉ còn lại lối đi nhỏ. Khi xảy cháy, người bên trong coi như không có lối thoát, và khi tìm cách chạy lên tầng trên để thoát nạn, thì chính ngôi nhà do thiết kế “lỗi”, cộng với việc thiếu kỹ năng đối phó với hỏa hoạn, tất yếu hậu quả xảy ra. 

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 phân tích: “Hầu hết các vụ cháy gây tử vong đều do ngạt khói. Nếu như trong trường hợp vụ cháy tại Mộ Lao, nạn nhân chạy lên tầng trên, vào phòng đóng kín cửa, lấy băng dính to bản (nếu có) dán bịt kín các khe cửa để ngăn khói vào, rồi gọi lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẽ hạn chế nguy cơ thiệt hại về người”.

Tương tự, một vụ hỏa hoạn gây hậu quả đau lòng khác, từng xảy ra tại căn “nhà ống” có diện tích chưa đầy 30m2, cao 4 tầng ở ngõ Lan Bá, quận Đống Đa, hồi tháng 3-2015 khiến 1 thanh niên tử vong do ngạt khói. Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy nhiều dấu hiệu trước khi bị tử vong, nạn nhân đã dùng nhiều vật dụng để dập lửa nhưng bất thành. Theo một cán bộ đội hướng dẫn, kiểm tra thuộc phòng Cảnh sát PCCC số 2, thì khi phát hiện ngọn lửa, nếu có bình chữa cháy xách tay tại chỗ, chỉ một động tác phun bột, bọt, lửa sẽ tắt ngay. 

Tự phòng tốt, giảm thiệt hại

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội phân tích: “Một vụ việc xảy cháy cách vị trí xuất xe trong vòng 1 km, lực lượng chức năng cũng phải mất hàng chục phút để di chuyển đến nơi trong điều kiện mật độ giao thông ở Hà Nội hiện nay. Thế nhưng, chỉ với 5 phút từ khi ngọn lửa hình thành, đám cháy có thể bùng phát lớn, phụ thuộc vào loại nguyên liệu cháy. Đây là lý do mà luật quy định việc PCCC là của toàn dân, và mỗi người dân cần phải sử dụng thành thạo phương tiện chữa cháy xách tay”. 

Theo chuyên đề nghiên cứu về an toàn PCCC nhà dạng ống do cán bộ Cảnh PCCC thành phố Hà Nội thực hiện, trên thực tế, không phải gia đình nào cũng tự trang bị bình chữa cháy xách tay và không phải ai cũng biết sử dụng. Nhất là đối với nhà dạng ống, việc tận dụng không gian, tiết kiệm kinh phí của gia chủ đã khiến ngôi nhà không đảm bảo nguyên tắc đối lưu nhiệt, làm tăng nhiệt độ trong phòng khi xảy sự cố cháy . 

Một điều nữa là nhiều hộ dân thường chủ quan, không chuẩn bị các phương tiện cứu hộ cần thiết, dù nó không quá đắt. Theo khuyến cáo của lực lượng Cảnh sát PCCC, đối với nhà dạng ống, khi xảy ra hỏa hoạn thường có khói lớn, người dân không nên chạy theo hướng thang lên hoặc xuống, mà nên tìm cách vào phòng, đóng cửa kín lại. Bởi thực tế, hướng khói luôn “chạy” từ dưới lên trên, và càng lên cao sẽ càng dễ tử vong. 

Để hạn chế tối đa xảy cháy, Đại tá Tô Xuân Thiều khuyến cáo: “Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, ô tô, xe máy. Các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy tuyệt đối để cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt, thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu”. Điều quan trọng nữa là cần thường xuyên kiểm tra đường dây dẫn điện, các thiết bị bảo vệ như công tắc, cầu chì, automat, làm sao phải đảm bảo hoạt động tốt. 

Vụ cháy một nhà ống ở khu giãn dân Mộ Lao, Hà Đông cũng không nằm ngoài cảnh báo hỏa hoạn cao, khi công năng nhà ở bị thay đổi tận dụng làm kho, cửa hàng kinh doanh mà bỏ qua nhiều quy định về an toàn PCCC.