Hóa giải kẽ hở để đối tượng phạm tội tham nhũng hết đường bỏ trốn ra nước ngoài

ANTD.VN -  Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp, nguyên nhân khi vụ án được phát hiện có thời gian xảy ra khá lâu, đối tượng có trình độ cao, tài sản được hợp thức hoá nên quá trình thu hồi gặp nhiều khó khăn.

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giải trình ĐBQH về hoạt động phòng chống tội phạm tham nhũng

Sáng nay 18-11, giải trình về một số hoạt động phòng chống, xử lý tội phạm tham nhũng, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2017, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý hơn 90 nghìn vụ án với 129 nghìn bị can, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử 74 nghìn vụ với 105 nghìn bị can, đạt tỷ lệ hơn 80%.

Tội phạm tham nhũng có trình độ cao

Tuy nhiên, công tác phát hiện điều tra tội phạm tham nhũng còn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một số vụ án điều tra còn chậm nguyên nhân chủ yếu do tội phạm tham nhũng có trình độ cao, quan hệ rộng và có nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn trong sự phát hiện điều tra của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, thường được thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng dẫn đến thời gian kéo dài.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, để đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng, cần có sự phối hợp các cấp, ngành, các cơ quan chuyên trách trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là khâu phát hiện.

Do vậy, Bộ Công an đã tăng cường với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Thuế, Hải quan, Toà án, Viện Kiểm sát... đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh công tác điều tra, hạn chế điều tra kéo dài.

Trả lời về tình trạng thời gian qua, một số đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, căn cứ Điều 79 Luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, quy định chỉ được áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. Do vậy, trước khi khởi tố cơ quan công an không sử dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của luật.

Mặc dù vậy, những đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn, Bộ Công an đã chỉ đạo các  lực lượng nghiệp vụ tổ chức truy bắt bằng được các đối tượng phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử... Trong quá trình điều tra, phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp

“Trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, có một số trường hợp đang bị tố giác, kiến nghị, khởi tố đã bỏ trốn ra nước ngoài cũng gây khó khăn cho công tác điều tra. Chính vì thế, khi xây dựng luật TTHS năm 2013, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung Điều 124 việc tạm hoãn xuất cảnh, ghi rõ người bị tố giác, kiến nghị khởi tố qua kiểm tra, xác minh nếu thấy có đủ căn cứ xác định là người đó bị nghi vấn, cần xác định bỏ trốn ra nước ngoài hoặc có đầy đủ chứng cứ, thì kiến nghị bổ sung các quy định và nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng cho phép để được áp dụng các biện pháp tố tụng đặc biệt.

Điều này đã được Bộ luật TTHS năm 2015 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Chính điểm khó khăn này đến nay đã được khắc phục, Bộ trưởng Bộ Công an thông tin.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí giải trình ý kiến ĐBQH

Đối với việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công an còn thấp. Năm 2017, tài sản thu hồi chiếm hơn 20% số lượng tiền, khoảng 50% số lượng đất đai, tài sản. Nguyên nhân cơ bản do các vụ án tham nhũng có thời gian xảy ra khá lâu mới bị phát hiện nên quá trình thu hồi gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục khó khăn này, Bộ trưởng cũng nêu ra một số giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy tiến độ điều tra cũng như tập trung việc thu hồi tài sản....

Tham gia giải trình cùng về nội dung trên, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, việc trả hồ sơ bổ sung nhiều lần là thực trạng có thật. “Ở đây có trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành Kiểm sát”, Viện trưởng Lê Minh Trí thừa nhận và cho biết nguyên nhân có cả khách quan, chủ quan.

Theo ông Lê Minh Trí, khó khăn phổ biến trong các vụ án kinh tế tham nhũng là kết quả giám định tư pháp, như vụ Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở xử lý vụ án. Các vụ án kéo dài nguyên nhân còn phụ thuộc vào thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, thời gian kết luận của cơ quan giám định.

Ngoài ra, những quy định mới trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế và trong Bộ luật hình sự mới đặt ra yêu cầu mới về quan điểm, nhận thức áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, đòi hỏi ở mức cao hơn.

“Không thể phủ nhận nguyên nhân còn do năng lực, trình độ của cán bộ các cơ quan tố tụng trong đó có ngành Kiểm sát. Cùng với đó là tâm lý sợ oan sai, dẫn đến cầu toàn trong yêu cầu điều tra”, Viện trưởng Viện KSND tối cao nhìn nhận.

Trước đó, chất vấn về xử lý các vụ án tham nhũng, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) nêu 4 hạn chế liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được dư luận đặc biệt quan tâm, gồm: thời hạn kéo dài, tỉ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung cao, nhiều vụ án kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình cao của dư luận và thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp.