Hiểu về dịch do virus Corona để phòng bệnh đúng cách

ANTD.VN - Rất nhiều câu hỏi liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm do virus Corona đã được các chuyên gia giải đáp tại buổi Giao lưu trực tuyến “Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona” do Báo An ninh Thủ đô tổ chức chiều 4-2.

Trên các diễn đàn mạng cũng như ngoài đời, người dân lan truyền rất nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh Corona khác nhau như dùng cồn 70 độ rửa tay, ăn nhiều tỏi, cắm sả trong nhà, đốt bồ kết, vắt chanh tươi vào nước lau nhà hàng ngày… Vậy phòng bệnh Corona thế nào mới đúng? 

Hiểu về dịch do virus Corona để phòng bệnh đúng cách ảnh 1Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình tặng hoa các vị khách mời buổi Giao lưu trực tuyến

Virus Corona tồn tại trong không khí bao lâu, đối tượng nào dễ nhiễm?

Quan tâm đến buổi giao lưu trực tuyến, một bạn đọc gửi câu hỏi: “Virus Corona sống trong không khí bao lâu? Môi trường nào lý tưởng cho virus phát triển?”.

Trả lời câu hỏi này, bác sĩ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, dịch bệnh đang bùng phát là chủng mới của virus Corona nên chưa có nhiều nghiên cứu hay dữ liệu cụ thể về sức đề kháng của con người cũng như khả năng tồn tại bên ngoài môi trường của loại virus này. Tuy nhiên, cũng như các loại virus Corona khác, virus này có thể tồn tại được ngoài môi trường từ vài phút đến vài giờ, tùy thuộc vào điều kiện thực tế. Ngoài ra, một số điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại lâu ngoài môi trường như nhiệt độ thấp, thiếu ánh sáng mặt trời, độ ẩm cao.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội  cho biết, đối với chủng mới của virus Corona có thể hoạt động mạnh ở điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C, và hạn chế hoạt động ở điều kiện 25-27 độ C. Như vậy người dân nên mở cửa cho thông thoáng nơi ở, nếu sử dụng điều hòa thì để ở nhiệt độ trên 27 độ C.  

Với câu hỏi “Đến nay đã có cơ sở khoa học nào chứng minh hay đưa ra một số đặc điểm về các đối tượng dễ nhiễm virus corona chưa?”, bác sĩ CKII Khổng Minh Tuấn cho biết, vì đây là chủng mới của virus Corona và hiện nay bệnh do virus nCov chưa có vaccine, thuốc điều trị đặc hiệu nên tất cả các đối tượng đều có khả năng mắc bệnh. Một nghiên cứu 99 bệnh nhân mắc bệnh tại Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy, độ tuổi mắc bệnh trung bình của bệnh nhân là 55 tuổi. Những đối tượng có khả năng dễ mắc bệnh hơn như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Tương tự, một bạn đọc khác hỏi: “Tôi nghe nói tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona thấp hơn nhiều so với người lớn. Vậy có phải bệnh này “miễn nhiễm” đối với trẻ em không, thưa bác sĩ?”. Trả lời câu hỏi này, ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện E nêu rõ, về nguyên tắc, bệnh viêm phổi do virus Corona có thể lây nhiễm cho bất cứ người nào khi có yếu tố nguy cơ dịch tễ (tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh). Tuy nhiên, mức độ lây nhiễm phụ thuộc vào khoảng cách tiếp xúc, mức độ phòng bệnh, sức đề kháng của cơ thể mỗi người. 

“Thực tế cho thấy, bệnh viêm phổi do virus Corona thời gian vừa qua hay gặp ở người già (những người có sức đề kháng kém, thường mắc những bệnh mãn tính) hay những người trong độ tuổi lao động, đi từ vùng có yếu tố dịch tễ, đang có dịch. Hiện chưa có bằng chứng bệnh này miễn nhiễm đối với trẻ em”, bác sĩ Vũ Mạnh Cường nói.

Phòng bệnh thế nào mới đúng?

“Người dân đang lan truyền một số biện pháp phòng virus Corona như cắm sả trong nhà, đốt bồ kết, vắt chanh tươi vào nước lau nhà hàng ngày. Xin hỏi, các giải pháp này có hữu hiệu hay không?”. Trả lời câu hỏi này của bạn đọc Báo ANTĐ, ThS.BS Vũ Mạnh Cường cho biết, các biện pháp dân gian như cắm sả trong nhà, đốt bồ kết, vắt chanh tươi vào nước lau nhà hàng ngày hiện tại chưa có bằng chứng khoa học để phòng, tránh bệnh do virus Corona gây ra. 

Tiếp tục trả lời câu hỏi “Nhiều người nói dùng cồn 70 độ như nước rửa tay khô, có khả năng sát khuẩn để phòng virus Corona, điều này có đúng không?”, ThS.BS Vũ Mạnh Cường cho biết: Về nguyên tắc, nồng độ cồn trên 60 độ có khả năng sát khuẩn, phòng bệnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả phòng bệnh, chúng ta phải thực hiện đúng quy trình rửa tay thường quy theo đúng quy định.

Cùng chủ đề quan tâm, bạn đọc hỏi: “Nên ăn uống các thức ăn như thế nào để tăng sức đề kháng, phòng dịch? Những thức ăn nào không nên ăn trong thời điểm này?”. ThS.BS Vũ Mạnh Cường khuyến cáo: Trong giai đoạn dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, chúng ta nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin (vitamin C) và khoáng chất (rau, củ, quả), một số loại thịt có chứa hàm lượng đạm dễ hấp thụ như cá.

Một số khoáng chất (kẽm, selen, thymomodulin...) sẽ có tác dụng tăng sức đề kháng, có thể sử dụng thêm tỏi trong bữa ăn hàng ngày hoặc uống duới dạng chế phẩm bán tại các hiệu thuốc để tăng sức đề kháng. Người dân cũng nên uống nhiều nước. Hạn chế những đồ ăn chiên, rán sẽ làm tăng quá trình viêm, giảm sức đề kháng. 

Ở góc độ tổng quát hơn, có bạn đọc hỏi: “Hiện nay có quá nhiều thông tin trên mạng xã hội về dịch viêm phổi Vũ Hán, nhất là các thông tin tiêu cực, gây hoang mang. Số người chết, số ca mắc bệnh, nghi mắc bệnh quá nhiều mà người dân chúng tôi không kiểm chứng được. Làm thế nào để kiểm tra, phân biệt thông tin thật giả về dịch này?”. 

Trả lời, bác sĩ CKII Khổng Minh Tuấn cho biết, đúng là đang có rất nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh do virus nCov lan truyền trên các diễn đàn mạng. Hầu hết các thông tin đều được dẫn từ các cơ quan chính thống nhưng hiện nay vẫn còn một số thông tin sai lệch so với sự thật lan truyền trên mạng xã hội. Để không bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch, người dân nên tìm những trang thông tin ngôn luận, tờ báo chính thống… 

Hiểu về dịch do virus Corona để phòng bệnh đúng cách ảnh 2Bác sĩ CKII Khổng Minh Tuấn (ngoài cùng bên trái) giao lưu cùng bạn đọc Báo An ninh Thủ đô 

Các trường học phòng bệnh cho học sinh như thế nào?

Bên cạnh các chuyên gia y tế, buổi giao lưu trực tuyến của Báo An ninh Thủ đô còn có sự tham gia của khách mời đại diện cho ngành giáo dục, đó là cô giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tại buổi giao lưu cũng đã có rất nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực phòng bệnh trong các nhà trường được bạn đọc gửi đến.

“Xin hỏi công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp đã được tiến hành trước khi học sinh nghỉ học. Vậy sau khi học sinh quay lại trường, công tác này có phải triển khai lại để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh hay không?”. Trả lời câu hỏi này của bạn đọc, cô giáo Trần Thị Bích Liên cho biết, trong những ngày học sinh nghỉ, nhà trường vẫn duy trì việc vệ sinh trường lớp hàng ngày. Giáo viên, nhân viên luân phiên đến mở cửa thông thoáng cho các lớp học và 2 ngày lại lau lại bề mặt bàn, sàn nhà, các khu vực công cộng bằng dung dịch khử khuẩn. Sau khi học sinh trở lại trường, công tác này vẫn được duy trì thường xuyên để đảm bảo môi trường sạch sẽ cho học sinh khi học tập và sinh hoạt tại trường. 

“Nếu dịch bệnh Corona kéo dài, thời gian nghỉ học lâu, thì nhà trường có tính phương án giáo dục trực tuyến và chấm điểm online không?”. Trả lời câu hỏi của bạn đọc, cô giáo Trần Thị Bích Liên nói: “Nếu buộc phải nghỉ học dài ngày, nhà trường sẽ căn cứ vào hướng dẫn của các cơ quan chức năng và sẽ thông báo tới phụ huynh các phương án để đảm bảo chương trình năm học và đánh giá đối với học sinh”. 

Đã mắc Corona vẫn có khả năng mắc lại

Hiện nay, chưa có các nghiên cứu cụ thể chứng minh hay các bằng chứng khoa học đủ tin cậy để khẳng định là bệnh nhân sau khi mắc bệnh sẽ không bị bệnh lại. Chính vì vậy, người bệnh hoàn toàn có thể bị tái nhiễm.

Bác sĩ CKII Khổng Minh Tuấn

Phân biệt virus Corona với cảm cúm thông thường

Virus cúm và virus Corona cùng chung một nhóm virus nhưng có phân nhóm khác nhau. Triệu chứng lâm sàng ban đầu có biểu hiện không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh của virus Corona kéo dài hơn và diễn biến dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, tử vong cao hơn. Khả năng lây lan cũng rất cao có thể lan ra toàn cầu. 

ThS.BS Vũ Mạnh Cường