Hiệu ứng từ những bản kết luận nghiêm minh

ANTD.VN - Bốn địa phương Quảng Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Đắk Nông được nêu tên trong kỳ họp thứ 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đi kèm với đó là một số cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh này được “chỉ mặt, điểm tên”. 

Chưa bao giờ, kết luận tại các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại được dư luận trông đợi như giai đoạn hiện nay

Bốn địa phương Quảng Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Đắk Nông được nêu tên trong kỳ họp thứ 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đi kèm với đó là một số cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh này được “chỉ mặt, điểm tên”. Từ lãnh đạo cấp sở tới những “ông quan” đầu tỉnh; người còn đang đương chức, người mới nghỉ hưu, đều bị nêu rõ khuyết điểm, vi phạm ở các mức độ khác nhau.

Trong thông tin phát đi, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không ngần ngại công bố rõ từng hành vi vi phạm của mỗi vị quan chức. Đáng chú ý, những nội dung, hành vi vi phạm tưởng như rất nhạy cảm như Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam “có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai” hay Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa “ưu ái, nâng đỡ không trong sáng” đối với cán bộ cấp dưới... vẫn được nêu đầy đủ, chi tiết, đúng bản chất trong thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Sự thẳng thắn, công khai khiến dư luận cảm thấy như chính mình đang ngồi dự phiên họp, được nghe trực tiếp kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Một điểm khác biệt nữa tại kỳ họp lần này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét lại mức kỷ luật đối với 2 quan chức của tỉnh Thanh Hóa (đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh này xem xét kỷ luật). Kết quả, một vị vốn chỉ phải “kiểm điểm sâu sắc và nghiêm túc rút kinh nghiệm” thì nay được nâng lên thành kỷ luật Cảnh cáo; một vị khác đã bị Khiển trách thì nay đang chờ đợi mức kỷ luật nghiêm khắc hơn.

Chưa bao giờ, kết luận tại các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại được dư luận trông đợi như giai đoạn hiện nay. Người dân ngóng đợi không phải để hả hê với những thông tin về cán bộ này, lãnh đạo kia có sai phạm phải chịu án kỷ luật mà vì họ kỳ vọng ở sự nghiêm minh của Đảng. Người dân lắng nghe, dõi theo để thấy Đảng đã thực hiện đúng cam kết “không có vùng cấm”; công khai, minh bạch trong công tác xử lý vi phạm của cán bộ, Đảng viên, dù ở bất cứ cấp nào.

Những bản kết luận làm nức lòng quần chúng nhân dân nhưng lại là cú sốc đối với các “tham quan”. Những “thành ngữ” đầy tính mỉa mai lan truyền trong dân gian lâu nay như “hạ cánh an toàn”, “chống tham nhũng như tắm từ vai tắm xuống”... giờ không còn đúng nữa. Trái lại, trong giai đoạn này, nếu tay đã trót “nhúng chàm”, dù có là ai cũng phải rét run khi nghĩ tới ngày được nêu tên trong bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Có thể nói, hiện tại, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang ở giai đoạn cao trào. Hiệu ứng lan tỏa từ các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương rõ ràng là rất mạnh mẽ. Tất nhiên, bàn tay của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng không thể “sờ gáy” tất cả những cán bộ có khuyết điểm, vi phạm ở các địa phương, bộ ngành. Theo phân cấp, Ủy ban Kiểm tra thuộc các Đảng ủy bộ ngành, Tỉnh ủy, Thành ủy; Quận ủy, Huyện ủy... cũng cần noi theo Trung ương để làm việc. Nếu ở các cấp này, những bản kết luận của cơ quan kiểm tra đảng cũng được công khai thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng, có thể đem lại hiệu quả giáo dục, răn đe cao hơn nữa...