Hiểm họa từ những bình gas

ANTĐ - Sau mỗi vụ cháy, nổ gas xảy ra, rất nhiều người thường thắc mắc: tại sao không hề có nguồn lửa mà bình gas vẫn bùng cháy, phát nổ thiêu rụi cả ngôi nhà? Cái gì đã khiến bình gas trở nên nguy hiểm đến như vậy?

Hiểm họa từ những bình gas ảnh 1Hiện trường các vụ cháy nổ do khí gas

Điếc không… sợ cháy

Sau tiếng nổ đinh tai rung chuyển mặt đất, lửa bốc lên ngùn ngụt trùm kín cả ngôi nhà khiến nó nhanh chóng đổ sập. Hậu quả của vụ cháy làm 1 người chết, 2 người bị thương này diễn ra lúc 20h ngày 14-10 tại TP Nam Định khiến người dân càng âu lo khi biết nguyên nhân gây nổ là hở khí gas. Cũng tang thương không kém, vụ nổ khí gas xảy ra cách đây không lâu tại ngôi nhà trên phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng đã khiến một gia đình có 2 người bị thương nặng, 2 người tử vong. Vụ nổ khí gas cũng biến ngôi nhà kiên cố trở thành đống đổ nát. 

Mức độ nguy hiểm của khí gas đã quá rõ, nhưng người sử dụng vẫn rất… vô tư, nhất là đối với nhà hàng kinh doanh ăn uống thì việc đảm bảo an toàn đối với thiết bị này luôn bị xem nhẹ. Một cán bộ hướng dẫn về an toàn PCCC thuộc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cảnh báo: “Một bình gas mini khi bị kích nổ cũng có thể gây chết người trong bán kính 2m. Còn loại bình gas thường dùng trong gia đình khi phát nổ có thể ngang một quả bom tấn, do đó sức ép nó tạo ra gây sập nhà là việc… hết sức bình thường”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Hà Nội có 95% số hộ dân dùng khí gas để đun nấu... Tuy nhiên, khi hỏi về thời gian bảo trì, bảo dưỡng bếp, bình gas, dây dẫn thì rất ít người quan tâm. Đa số  thường tin tưởng chiếc van khóa tự động nên gần như “phó mặc” sự an toàn vào thiết bị này. Chị Nguyễn Thu Trang, 45 tuổi, trú tại phố Kim Mã Thượng, quận Ba Đình kể: “Nhà tôi dùng bếp gas được 15 năm nay, nhưng tôi chỉ biết bật bếp khi đun nấu chứ ít khi kiểm tra các thiết bị khác. Cách đây khoảng 5 năm tôi đã đổi van bình thường sang van tự động, nghe nói dùng loại van này rất yên tâm nên bây giờ chẳng sợ gì nữa”. Theo các chuyên gia về PCCC, người sử dụng gas lâu nay vẫn mang tâm lý “điếc không sợ súng”. Đáng ngại hơn, đối với những gia đình có không gian hẹp còn liều lĩnh kê cả bếp gas lên trên bình gas để đun nấu. Với những trường hợp như vậy thì việc dẫn đến cháy, nổ khí gas chỉ là thời gian. 

Hiểm họa từ những bình gas ảnh 2

Cẩn tắc vô ưu

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ khí gas. Về khách quan là do quá trình vận chuyển từ cửa hàng đến hộ gia đình không đúng cách đã bị va đập khiến hư hỏng vỏ, van… Tuy nhiên, qua điều tra nguyên nhân những vụ nổ khí gas đều xuất phát từ sự chủ quan của người sử dụng. Cụ thể, họ để bình gas quá lâu ngày không kiểm tra dây, van, hoặc bình, bếp quá cũ nát dẫn đến rò rỉ, hở khí gas mà không hay biết. Khi đó khí gas ngưng tụ trong căn phòng và chỉ cần bật công tắc điện cũng sẽ gây cháy nổ tức khắc”. 

Qua tìm hiểu tại một số khu dân cư trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các gia đình sử dụng bình gas đều mắc sai lầm là đặt bình gas gần với hệ thống máy bơm nước tự động. Điều này rất nguy hiểm bởi nếu gas rò rỉ đúng lúc máy bơm hoạt động sẽ kích nổ tức thì. Phân tích về những chiếc van khóa tự động, một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 2 lưu ý, hiện các hộ dân đang dùng loại van chặn để điều tiết lượng khí gas không bị phun ra quá lớn. Loại van này chi để tránh tiêu tốn gas khi đun nấu chứ không có chức năng tự động khóa. Hơn nữa, do van được xoáy vào cổ bình gas, nếu vị trí này có gioăng không tốt vẫn có nguy cơ bị hở khí gas.

Để đảm bảo an toàn, người dân cần khóa van bình khi không dùng đến gas. Mỗi khi ngửi thấy mùi gas trong nhà, nghiêm cấm bật các thiết bị điện và ngay lập tức hãy mở cửa nhà hết mức có thể, đồng thời sơ tán toàn bộ người ra ngoài. Nếu có thể, hãy dùng bìa carton quạt mạnh theo hướng từ trong ra ngoài cho đến khi không còn ngửi thấy mùi khí gas mới được vào nhà.