Hậu quả lớn sau hai cơn bão: Lúng túng và đổ lỗi vòng quanh

ANTD.VN - Chỉ trong vòng 10 ngày (cuối tháng 7 và đầu tháng 8), khu vực Biển Đông đã có 2 cơn bão đổ bộ và tác động đến đất liền Việt Nam, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đáng nói, bão số 1 đã gây thiệt hại lên tới hơn 6.440 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, một phần nguyên nhân gây ra thiệt hại này là do những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai. 

Hậu quả lớn sau hai cơn bão: Lúng túng và đổ lỗi vòng quanh ảnh 1Bão số 1, số 2 gây thiệt hại lên tới 7.000 tỷ đồng

10 ngày thiệt hại gần 7.000 tỷ đồng

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai cho biết, bão số 1 - Miriane đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc với cường độ mạnh cấp 9, gió giật cấp 11-13 làm 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương. Đáng nói, mưa lớn sau bão đã làm ngập hơn 215.000ha lúa, trong đó gần 55.00ha bị hư hại và hơn 17.000ha bị mất trắng… Đặc biệt, ngành điện bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 31.000 cột điện bị gãy, nghiêng đổ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 6.440 tỷ đồng. 

Còn bão số 2 - Nida, dù không đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão đã gây mưa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đó, mưa lũ làm 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương. Trong đợt mưa này, giao thông tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang bị thiệt hại lớn. Đến ngày 8-8 vẫn còn một số vị trí sạt lở tại xã Trung Chải, huyện Sa Pa khiến giao thông vẫn bị ách tắc. Tại 2 xã Phìn Ngan và Quang Kim của huyện Bát Xát vẫn chưa có điện trở lại. Ước thiệt hại vào khoảng hơn 266 tỷ đồng.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, dù bão số 1 không mạnh nhưng tốc độ di chuyển và đổ bộ vào đất liền nhanh nên đã gây hậu quả nặng nề. Đặc biệt, khi vào gần bờ bão lại di chuyển chậm và tăng cấp nên đã gây bất ngờ, bị động trong triển khai ứng phó cho người dân và các cấp chính quyền. Tại cuộc họp trực  tuyến với 12 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định vào chiều 26-7 không có tỉnh Ninh Bình bởi theo dự báo ban đầu, bão số 1 không tác động đến tỉnh này. Tuy nhiên, tỉnh Ninh Bình lại là một trong những tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 1 và thiệt hại về tài sản khá lớn. 

Đổ lỗi vòng quanh

Một số địa phương cho rằng, có sự sai khác giữa dự báo và thực tế cấp bão số 1 đổ bộ cũng như cấp gió giật. Nhưng ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, dự báo bão số 1 là khá sát về khu vực, thời gian bão đổ bộ. Dù vậy, đại diện Trung tâm DBKTTV Trung ương cũng nhìn nhận, các bản tin dự báo chưa dự báo được sự di chuyển chậm bất thường của bão số 1 khi vào gần bờ cũng như thời gian duy trì gió mạnh ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp lâu hơn so với quy luật thông thường. “Thực tế, không trung tâm nào dự báo sớm được điều này và đây là một hạn chế của khoa học, công nghệ dự báo bão”, đại diện Trung tâm DBKTTV Trung ương cho hay.

Đại diện tỉnh Nam Định cho rằng, cơn bão số 9 đổ bộ vào Nam Định với cấp gió giật 12-13, trên cấp 13. “Đây là cơn bão có gió giật mạnh nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ 1986 đến nay trên địa bàn tỉnh Nam Định”, đại diện tỉnh Nam Định thông tin. Thế nhưng, cũng nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1, đại diện tỉnh Thái Bình lại cho rằng, việc dự báo bão số 1 từ đêm 26-7 trở đi đến lúc bão đổ bộ vào đất liền là khá sát, nên tỉnh Thái Bình đã chủ động trong công tác phòng, chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Nhìn nhận về công tác dự báo cũng như phòng chống hai cơn bão vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, còn nhiều hạn chế và bất cập, có thể nói đây chính là nguyên nhân dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

“Chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương quyết liệt, nhưng một số nơi vẫn bị động, lúng túng và chủ quan. Sự chủ động còn chưa cao, phụ thuộc vào chỉ đạo từ cấp trên. Việc cưỡng chế, sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm còn chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, năng lực dự báo của chúng ta còn hạn chế, chưa được như mong muốn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Phó Thủ tướng, thiên tai sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do vậy các bộ, ngành và địa phương phải khắc phục những tồn tại, yếu kém để giảm tối đa thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Lào Cai xin hỗ trợ 200 tấn gạo

Đại diện UBND tỉnh Lào Cao cho biết, sáng 8-8, 4 huyện nằm trong vùng ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu cơn bão số 2 đã đề nghị khẩn cấp hỗ trợ khoảng 200 tấn gạo cho 557 hộ/gần 3.000 nhân khẩu hiện đang rất khó khăn. Ngoài ra, QL 4D từ Lào Cai đi Sa Pa và Lai Châu lưu lượng xe đông, nhưng qua 2 cơn bão đã bị hư hỏng nghiêm trọng, trong khi kinh phí để khắc phục khá lớn, ước khoảng 287 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cần di dời gấp 34 hộ dân ở xã Phìn Ngan và Sủng Hoảng; 200 hộ dân dọc trên QL 4D cũng cần di dời nhưng tỉnh không có tiền.