Hàng nghìn bản án, quyết định pháp luật có hiệu lực được đăng tải công khai

ANTD.VN - Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; tổ chức trao Kỷ niệm chương và các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, nhân Kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống TAND do TAND Tối cao tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 11-9. Chương trình hội nghị diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 11 và 12-9).

Chương trình hội nghị diễn ra trong hai ngày (từ ngày 11 đến 12-9)

Tại hội nghị, báo cáo tóm tắt việc thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW và các giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thuân - Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết, trong 3 năm qua, số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng hơn nhiều so với các năm trước, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Đây cũng là thời điểm nhiều văn bản luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của Tòa án được sửa đổi, bổ sung thể chế hóa các chủ trương về cải cách tư pháp, cũng như tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Theo đó, vị trí, vai trò của Tòa án nói chung và Thẩm phán nói riêng được đề cao, nhưng đồng thời các yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cũng hết sức nặng nề. Việc củng cố, tinh giản biên chế cũng tạo ra những áp lực nhất định cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Tòa án.

Theo số liệu thống kê, từ ngày 1-10-2014 đến 31-7-2017, các Tòa án đã giải quyết được 1.072.451 vụ án các loại trong tổng số 1.336.861 vụ án thụ lý. Mặc dù số lượng các vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều, nhưng hầu hết đều được giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật. Với việc chú trọng làm tốt hoạt động tranh tụng nên chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án tiếp tục được nâng lên.

Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nên đã hạn chế được các trường hợp kết án oan người không có tội. Các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các Tòa án phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, các Tòa án đã quyết định khởi tố tại phiên tòa để yêu cầu điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hoặc bỏ lọt người phạm tội, được dư luận xã hội rất đồng tình, ủng hộ. Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều chuyển biến, tiến bộ cả về tiến độ và chất lượng; tỷ lệ các vụ án được giải quyết bằng hòa giải thành mỗi năm đều đạt trên 50%.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử trong thời gian tới, 14 nhóm giải pháp cũng được đưa ra thảo luận và được hội nghị làm việc theo tổ. Quán triệt và định hướng thảo luận, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao cho biết, trong 14 nhóm giải pháp trong đó đáng chú ý, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong các quyết định các vụ án dân sự có một ý nghĩa rất quan trọng.

Thông qua hòa giải, vụ án được giải quyết nhanh chóng, dứt điểm; góp phần tạo sự thống nhất trong nội bộ nhân dân. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng đánh giá cao việc công khai bản án, quyết định của Tòa án trên cổng Thông tin điện tử của TAND Tối cao. 

“Đây là một giải pháp mà TAND Tối cao mới triển khai thực hiện và được dư luận đánh giá cao. Giải pháp này nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.

Cho đến nay, có gần 3.000 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án được đăng tải, tổng lượng truy cập gần 500.000 lượt và đã có 185 ý kiến bình luận, góp ý đối với 302 bản án, quyết định... Một số đơn vị địa phương đã làm tốt việc này và được nhân dân đánh giá cao”, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.