Hai trường đại học kêu oan vì bị "tố" không hợp tác thẩm định chất lượng

ANTD.VN - ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH kinh doanh và công nghệ Hà Nội đều phủ nhận kết luận của Bộ GD-ĐT về việc là trường hợp cá biệt, không hợp tác thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng. 

Không hợp tác thẩm định?

Theo Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 30-6, cả nước có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017, 24 cơ sở giáo dục đại học khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15-4-2017 nên được miễn thẩm định.

Ngày 27-3-2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về việc triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học năm 2017. Trong đó quy định rõ tất cả các cơ sở giáo dục ĐH phải tham gia thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng. Các cơ sở giáo dục ĐH được miễn thẩm định nếu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (được tổ chức kiểm định cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục) tính cho đến hết ngày 15-4-2017.

Theo Bộ GD-ĐT, kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục đại học sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lý tham khảo.

Hai trường đều lên tiếng phỉ nhận việc không hợp tác thẩm định

Phản bác kết luận không hợp tác

Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết vừa qua, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM có lên lịch để thực hiện thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của Trường ĐH Tôn Đức Thắng theo phân công Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, trước đó một tuần, đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ GD-ĐT do Phó Chánh thanh tra Đặng Thị Thu Huyền dẫn đầu đã vào làm việc với nhà trường trong hai ngày để kiểm tra toàn bộ các điều kiện tuyển sinh của trường. Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga rằng toàn bộ báo cáo kết quả thanh tra đã có sẵn chỗ Thanh tra Bộ GD-ĐT. Không thể nào trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần.

Ông Đinh Văn Tiến, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng khẳng định không hề có chuyện trường từ chối hay "không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng" như thông báo của Bộ GD-ĐT. 

Thực tế, ngày 27-6, Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT có công văn gửi đến Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội yêu cầu trường phối hợp với trung tâm kiểm định đã được Bộ giao thực hiện thẩm định và xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng để hoàn tất việc thẩm định trước ngày 30-6.

Trường cũng đã có văn bản gửi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Đà Nẵng, đồng thời có công văn phản hồi gửi đến Cục Quản lý chất lượng ngày 29-6-2017 nêu rõ, Bộ GD-ĐT đã có thông báo ngày 7-3-2017 về việc đủ điều kiện đảm bảo chất lượng và được phép tuyển sinh 2017. Hiện trường đang chuẩn bị tự đánh giá theo tiêu chuẩn, tiêu chí mới của Bộ theo Thông tư 12 bộ mới ban hành trong năm 2017 và sẽ mời tổ chức đánh giá ngoài vào năm 2018 như Bộ quy định. 

Có sự nhầm lẫn?

Ngày 2-12, trả lời báo chí, Bộ GD-ĐT khẳng định, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không phân biệt được hoạt động thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng với hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Để làm rõ thông tin về những thắc mắc, phản hồi của 2 trường ĐH nói trên, phóng viên Báo ANTĐ sẽ tiếp tục trao đổi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về việc khi trường đại học đã được thanh tra về cùng một nội dung cần thẩm định về đảm bảo chất lượng, điều kiện tuyển sinh thì có cần phải thẩm định lại hay không?

Từ vấn đề này, nhiều người cho rằng việc thẩm định, thanh tra, kiểm định đều cần thiết nhưng cũng không nên trùng lắp, ảnh hưởng đến công tác hoạt động của các trường.