Hà Nội: Yêu cầu Bí thư, Chủ tịch quận huyện hoãn đi nước ngoài để tập trung chỉ đạo công việc

ANTD.VN - Lưu ý “Hà Nội vẫn là địa bàn trọng điểm của các thế lực thù địch hoạt động chống phá”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Bí thư, Chủ tịch các quận huyện thị phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn…

Toàn cảnh hội nghị sáng nay, 9-7

Sáng nay, 9-7, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác nội chính và phòng chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Thành ủy, 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội tiếp tục duy trì và giữ vững ổn định an ninh chính trị, không để xảy ra các hoạt động gây rối an ninh trật tự (ANTT), khủng bố, phá hoại; đấu tranh vô hiệu hoá âm mưu, ý đồ hoạt động chống phá của số đối tượng phản động, chống đối…

Một trong những kết quả nổi bật là thành phố đã chủ động triển khai các phương án phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả, làm thất bại âm mưu, ý đồ của số đối tượng phản động, chống đối lợi dụng việc Quốc hội đưa ra thảo luận dự án Luật Đặc khu, thông qua Luật An ninh mạng để tổ chức tụ tập đông người tuần hành trái pháp luật với phương thức, thủ đoạn mới, nguy hiểm hơn.

Về phòng chống tham nhũng, công tác này được thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và nhìn chung đã có chuyển biến trên nhiều lĩnh vực…

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan, đơn vị thuộc khối nội chính của thành phố, cũng như các quận/ huyện/ thị xã trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua, góp phần giữ vững an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn.

Dù vậy, Phó Bí thư thường trực Thành ủy cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong công tác này và yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố cần tập trung, sớm giải quyết.

Theo Phó Bí thư thường trực Ngô Thị Thanh Hằng, 6 tháng cuối năm 2018, tình hình an ninh chính trị, TTATXH sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là các thế lực thù địch gia tăng các hoạt động chống phá, đòi hỏi công tác nội chính và phòng chống tham nhũng của thành phố phải tiếp tục đổi mới, bài bản, nghiêm minh, nắm chắc tình hình.

Về nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng các văn bản của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.

Lưu ý “Hà Nội vẫn là địa bàn trọng điểm của các thế lực thù địch hoạt động chống phá” Phó Bí thư thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành phải triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xuyên tạc, kích động, lôi kéo nhân dân tham gia các hoạt động tuần hành, tụ tập đông người trái pháp luật, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Đặc biệt, Phó Bí thư thường trực Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý việc phải triển khai thực hiện nghiêm túc thông báo 1451 của Thành ủy về thực hiện công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố. Trong đó, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Bí thư, Chủ tịch UBND các quận/ huyện/ thị xã phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy và UBND TP về công tác đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn.

“Yêu cầu các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND quận/ huyện/ thị xã hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài để duy trì nhân lực trực lãnh đạo trong thời gian từ nay đến hết tháng 7-2018. Dù có quyết định chương trình công tác rồi thì cũng phải dừng để ở lại trực, trước mắt đến hết tháng 7” – Phó Bí thư thường trực Thành ủy nêu rõ.

Cùng đó, Thành ủy Hà Nội yêu cầu mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các loại tội phạm; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các loại án; nâng cao chất lượng xét xử; Tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại với dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở…

Đặc biệt, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 vừa qua; đẩy mạnh việc phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”, tệ “phiền hà sách nhiễu” trong một bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ.

Hà Nội đang thụ lý 12 vụ án tham nhũng với 53 bị cáo

6 tháng đầu năm 2018, CATP Hà Nội đã điều tra khám phá nhanh các vụ trọng án và án nghiêm trọng đạt 98,2%, tỷ lệ khám phá chung vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (80,8%). Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án về kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao đều đạt cao, góp phần đảm bảo TTATXH trên địa bàn…

Cùng đó, cơ quan điều tra CATP Hà Nội đã thụ lý điều tra 31 vụ với 82 bị can liên quan đến tham nhũng (khởi tố mới trong kỳ là 8 vụ với 14 bị can); đã có kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát các cấp đề nghị truy tố 13 vụ/ 38 bị can, đang điều tra 17 vụ/ 44 bị can, tạm đình chỉ điều tra 2 vụ/ 1 bị can.

Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 27 vụ/ 118 bị cáo; đã xét xử 15 vụ/ 65 bị cáo, đang thụ lý 12 vụ/ 53 bị cáo…