Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu, chứ không phải hạ cốt đê sông Hồng

ANTD.VN- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT Trần Quang Hoài khẳng định, Hà Nội không đề xuất hạ cốt đê mà chỉ đề nghị thay đổi kết cấu đê. Ông Hoài cũng đề nghị các cơ quan báo chí thông tin chính xác nội dung này để người dân hiểu rõ, không gây hoang mang, bức xúc dư luận.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT Trần Quang Hoài phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 16-2, tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với UBND TP Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Bộ NN&PTNT Trần Quang Hoài cho biết, vừa qua nhiều người dân, chuyên gia, các cán bộ lão thành trong lĩnh vực thuỷ lợi đều rất bức xúc trước thông tin mà một số cơ quan báo chí đưa tin rằng Hà Nội đề xuất hạ cốt đê đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương.

Khẳng định thông tin này là chưa chĩnh xác, ông Hoài cho biết, Hà Nội chỉ đề xuất thay đổi kết cấu đê chứ không phải hạ cốt đê. "Một số báo đưa tin Hà Nội đề xuất hạ cốt đê khiến dư luận phản ứng bởi từ vị trí đê đó vào trung tâm rất gần, sẽ tiềm ẩn nguy cơ khi hồ Hoà Bình xả lũ. Do đó, cần phản ánh chính xác thông tin, nếu không sẽ gây bức xúc dư luận", ông Hoài nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố chỉ đề xuất thay thế đoạn đê đất hiện nay bằng bê tông như ở đoạn đê gần cầu Long Biên đã làm trước đây (đoạn con đường gốm sứ). Việc thay thế này sẽ đảm bảo kiến trúc cho công trình cầu vượt nút đường Thanh Niên - An Dương và mở rộng lòng đường giao thông phía ngoài đê, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm độ dốc khi người dân đi từ ngoài đê vào.

Theo Chủ tịch UBND TP, người dân sống ngoài đê ở khu vực này khi được xin ý kiến đều đồng thuận cao với phương án này. Về yếu tố an toàn khi mưa lũ, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện tại, người dân đã xây nhà kín phía đất ngoài đê nên mặt đê phía trong không phải chịu áp lực trực tiếp. “Với công nghệ hiện nay, tuyến đê bằng bê tông sẽ đảm bảo được chịu lực, an toàn khi mua lũ”, Chủ tịch UBND TP nói.

Đánh giá cao công tác quản lý, nâng cấp đê điều của TP Hà Nội, tuy nhiên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cho biết, từ 2011-2016, ở Hà Nội có tổng số 1.649 vụ vi phạm hành lang đê điều. Đến nay, thành phố mới giải quyết dứt điểm được 162 vụ. Bên cạnh đó, tất cả vi phạm này, lực lượng chuyên trách của Sở NN&PTNT đã lập biên bản, gửi đến lãnh đạo quận huyện nhưng chưa được quan tâm đúng mức dù thành phố đã có chương trình giải quyết dứt điểm các điểm vi phạm.

Lấy dẫn chứng vi phạm ở hạ du cầu Thăng Long khi lấn dòng sông khoảng 200m, tiềm ẩn nguy cơ có thể gây vỡ đê đã được các vị đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTN, ông Hoài nói: ""Các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm những sai phạm này".