Hạ nhiệt bằng "thuốc" minh bạch

ANTD.VN - Con số 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan tới đất đai không hề mới. Từ hơn 10 năm trước, sau khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, thống kê của các cơ quan hữu quan đã đưa ra con số tương tự. 

Thực tế này cho thấy, dù Luật Đất đai đã được sửa đổi (vào năm 2013) nhưng khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai vẫn không hạ nhiệt. Nói hình tượng một chút là giá đất  có tăng có giảm, nhưng khiếu nại, tố cáo đất đai vẫn… đi ngang.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến độ nóng của khiếu nại, tố cáo đất đai không thể giảm. Đội ngũ cán bộ quản lý đất đai ở các cấp còn thiếu và yếu; ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn thấp trong khi nguồn gốc sử dụng đất ở các địa phương rất phức tạp. Việc thực thi pháp luật ở cơ sở chưa nghiêm; còn tình trạng buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vi phạm (cả người dân và chính quyền) trong quản lý và sử dụng đất đai. Ngoài ra, chính sách, pháp luật đất đai cũng còn phức tạp, có nhiều cách hiểu khác nhau nên dễ dẫn tới mâu thuẫn, tranh cãi. 

Do tính chất phức tạp, những khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai thường kéo dài, có khi vài chục năm, phải qua nhiều cấp, ngành nhưng có khi vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Người đi khiếu nại, tố cáo đương nhiên là rất bức xúc và ngay cả những cán bộ thụ lý, giải quyết cũng chẳng vui vẻ gì.

Chuyện những người khiếu kiện, tố cáo đất đai quen tên, thuộc mặt đối với cán bộ tiếp dân hay các vị lãnh đạo dần trở nên phổ biến. Hệ quả tất yếu, tại nhiều địa phương, các điểm “nóng” về an ninh trật tự đã dần hình thành do bức xúc sau khiếu nại, tố cáo đất đai, để lại những hệ lụy rất lớn cho kinh tế - xã hội.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang gấp rút hoàn thành việc cấp sổ đỏ cho các thửa đất đủ điều kiện đã đăng ký. Gần đây, một số địa phương như Hà Nội có chủ trương ghi nhận cả những thửa đất đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ.

Đây là một trong những giải pháp cơ bản nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai hoàn chỉnh tới từng thửa đất để gia tăng tính minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai. Một khi hệ thống dữ liệu này được hoàn thiện, cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để xem xét, giải quyết nhanh hơn các khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình sử dụng đất đai.

Minh bạch được xem là phương thuốc hữu hiệu để hạ nhiệt khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai. Không chỉ minh bạch trong xây dựng và thực thi pháp luật, cần gia tăng tính minh bạch trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu tố liên quan tới đất đai nói riêng. Cùng đó, phải tăng cường đối thoại và trách nhiệm của chính quyền trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Và trong tất cả các vụ việc đó, quyền lợi của người dân cần được đặt lên cao nhất.