Hướng tới Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới - tầm nhìn 2025”

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh: "An ninh sinh thái Hà Nội sẽ còn nhiều thách thức"

ANTD.VN - Hà Nội đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, nhưng kèm theo đó hàng loạt vấn đề phức tạp về sinh thái và môi trường cũng nảy sinh. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Hữu Ninh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và Phát triển (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) về vấn đề này.

 

 GS.TS Nguyễn Hữu Ninh: "An ninh sinh thái Hà Nội sẽ còn nhiều thách thức" ảnh 1

Vai trò chiến lược trong phát triển đô thị

- PV: Thưa Giáo sư, lâu nay chúng  ta mới chỉ quen nói tới vấn đề “ô nhiễm trong môi trường đô thị” chứ ít ai thực sự hiểu “an ninh sinh thái đô thị” là gì. Có vẻ như khái niệm này với nhiều người còn quá mới, quá vĩ mô, vì thế nó cũng chưa được các nhà quản lý đánh giá đúng mức độ quan trọng. Nếu dùng hình ảnh trực quan, Giáo sư có thể diễn tả về vấn đề này như thế nào?

- GS.TS Nguyễn Hữu Ninh: Khái niệm an ninh sinh thái (và an ninh sinh thái đô thị) là vấn đề an ninh phi truyền thống. An ninh sinh thái đô thị đặt ra là nhằm đảm bảo các dòng tài nguyên, cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị ở cấp thành phố/quốc gia, đặc biệt như Thủ đô Hà Nội.

Các vấn đề bất cập lâu dài của ô nhiễm môi trường, lũ lụt và hạn hán do các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, ách tắc giao thông, cấp thoát nước, cung cấp điện và năng lượng, lương thực, thực phẩm… sẽ là những yếu tố tiềm tàng dẫn tới bất ổn xã hội, nói cách khác nó sẽ trở thành vấn đề an ninh nội địa. 

- “An ninh sinh thái đô thị” có tầm ảnh hưởng đối với các đô thị hiện đại rao sao?

- Mức độ tập trung dân số thế giới tại các vùng đô thị phần nào đã cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh sinh thái đô thị. Bởi  đảm bảo an ninh sinh thái đô thị tức là đảm bảo cho mọi hoạt động ổn định của xã hội đô thị.

Trong bối cảnh phải giải quyết các vấn đề rất lớn đặt ra đối với các “siêu đô thị” đang hình thành, thì biến đổi khi hậu lại gây thêm các hậu quả cực đoan khiến cho việc đảm bảo tái tuần hoàn các lĩnh vực kinh tế, xã hội hài hòa với môi trường trở thành sức ép lớn hơn. Như vậy, việc đảm bảo an ninh sinh thái đô thị sẽ đóng vai trò chiến lược trong sự phát triển đô thị một cách bền vững, góp phần ổn định hoạt động phát triển của con người - đảm bảo an  ninh con người trong hệ sinh thái đô thị ấy. 

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) dự báo đến năm 2030 khu vực đô thị sẽ tiêu thụ 60-80% năng lượng và phát thải tới 75% tổng phát thải khí nhà kính, tạo ra 50% rác thải toàn cầu. Vì vậy, có thể nói việc đảm bảo an ninh sinh thái đô thị là chiến lược không chỉ giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn góp phần thích ứng để đảm bảo an ninh con người trong bối cảnh của biến đổi khí hậu.

Tác động trực tiếp đến đời sống con người

 GS.TS Nguyễn Hữu Ninh: "An ninh sinh thái Hà Nội sẽ còn nhiều thách thức" ảnh 2

Tăng tỷ lệ không gian xanh ở đô thị để đảm bảo hệ sinh thái môi trường phát triển bền vững

- Nhưng thực tế, các đô thị chỉ chiếm khoảng 3-5% diện tích đất trên thế giới. Như vậy, những đánh giá về hậu quả của “an ninh sinh thái đô thị” hiện nay liệu có phải là nghiêm trọng hóa vấn đề không, thưa Giáo sư?

- Nói như vậy không hề nghiêm trọng hóa vấn đề. Khi nói tới vấn đề an ninh chúng ta thường nhìn nhận theo khía cạnh nó sẽ tác động thế nào đến con người. Các khu đô thị hiện tại chỉ chiếm khoảng 3-5% diện tích trái đất nhưng đã chiếm tới hơn 50% dân số toàn cầu và có thể chiếm tới khoảng 70% tổng dân số vào năm 2030.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, chúng ta cũng đã thấy được sự mất cân bằng của các hệ sinh thái đô thị không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới. Đơn giản nhất, việc thiếu không gian xanh đô thị là một yếu tố quan trọng gây ra các hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Hoặc các trận mưa bất thường gây gập lụt, làm đình trệ hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất của con người cũng như hệ thống điện tại các khu vực ảnh hưởng.

Ở siêu đô thị như New York, trận bão Sandy năm 2012 không chỉ khiến toàn bộ thành phố ngừng hoạt động mà còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng và sự an toàn con người. Đặc biệt những người sống trong các tòa tháp tại thành phố này đã không có điện, nước, gas, không thức ăn… bị cô lập nhiều ngày trong các “lô cốt” chọc trời không thang máy và các tệ nạn xã hội đã xảy ra.

- Hà Nội được đánh giá là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa rất mạnh. Giáo sư nhận định vấn đề “an ninh sinh thái đô thị” của Thủ đô hiện nay và tương lai như thế nào?

- Hiện tại Hà Nội đã cho thấy có sự bất ổn định an ninh sinh thái đô thị. Dễ nhìn thấy nhất là các hiện tượng ngập lụt cục bộ do mưa to. Hệ thống cơ sở hạ tầng mà cụ thể là hệ thống thoát nước chưa đảm bảo để tiêu thoát nước một cách nhanh chóng. Và điều ấy đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sống, các hoạt động xã hội của con người.

Một ví dụ khác là sự quá tải về rác thải, nước thải, cũng khiến hệ thống sinh thái tự nhiên như ao hồ hay hệ thống cơ sở hạ tầng nhân tạo (các nhà máy xử lý rác, nước) tại Hà Nội không xử lý kịp, gây ô nhiễm nước mặt tại hệ thống kênh, mương và hồ;  mật độ cây xanh thấp, giao thông bất cập, dòng vật chất - thực phẩm đi vào thủ đô cũng không hề được đảm bảo về tính an toàn hay vệ sinh thực phẩm.

Tương lai Hà Nội sẽ còn tiếp tục gặp  nhiều thách thức liên quan tới việc đảm bảo tính ổn định và bền vững của đô thị khi mà dân cư tập trung về đây ngày càng nhiều, tài nguyên thì có hạn, trong khi các các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra ngày một thường xuyên hơn.

- Nếu nhìn từ khía cạnh môi trường, có một câu chuyện mà người Hà Nội ai cũng biết, đó là trong khoảng 40 năm trở lại đây có tới 80% diện tích ao hồ của Hà Nội đã biến mất. Bên cạnh đó, diện tích dành cho mở rộng công viên, cây xanh cũng rất hạn chế. Giáo sư có nghĩ rằng, chúng ta còn cách nào đó để tăng tỷ lệ không gian xanh đô thị hay không?

- Chúng ta có thể tăng tỷ lệ không gian xanh tối đa trên diện tích hiện có (cả đất công cộng, công sở và nhà dân). Yêu cầu bắt buộc quy hoạch các khu đô thị mới phải đảm bảo diện tích không gian xanh và tích cực xem xét để duy trì và cải thiện hệ thống không gian xanh sẵn có, cũng như giãn bớt các công sở, dân cư và hạ tầng dịch vụ ra các thành phố vệ tinh. 

Công an đóng vai trò quan trọng 

- Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều dạng thời tiết cực đoan như nắng nóng hoặc giá lạnh trên cả miền Bắc. Việc này có liên quan gì đến “an ninh sinh thái đô thị” và có phải nó bắt nguồn từ việc đô thị hóa tại các thành phố lớn không, thưa Giáo sư?

- Nói tới vấn đề an ninh sinh thái đô thị, chúng ta chỉ nên xét tới vùng đô thị riêng biệt. Ví dụ an ninh sinh thái đô thị Hà Nội thì chúng ta cần lấy vùng địa giới thành phố Hà Nội là giới hạn hệ sinh thái đô thị tại Hà Nội. Hệ sinh thái này có mối tương tác với các hệ sinh thái xung quanh (bao gồm cả các tỉnh, các vùng được dự định phát triển tạo thành vùng Thủ đô). 

Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng bất thường hay mưa bão, thực tế đã cho thấy các dấu hiệu tác động mạnh mẽ tới Hà Nội do sự bất ổn định hệ thống sinh thái. Thiếu không gian xanh làm nhiệt độ bề mặt đô thị vào những ngày nắng nóng càng trở nên khắc nghiệt. Hiện tượng đảo nhiệt đô thị cũng xảy ra thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống con người.

Hay việc quy hoạch đô thị không đi kèm với cải tạo hệ thống thoát nước gây ra lụt cục bộ. Hà Nội rất ít khi chịu tác động trực tiếp của bão, nên con người cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng, cây xanh ở đây chưa tương thích để có thể chịu tác động của các cơn bão lớn.

Ví dụ như cơn bão số 1 năm 2016 đi qua Hà Nội, có thể nói xét về cường độ, đây không phải một cơn bão quá mạnh, nhưng thực tế Hà Nội đã chịu thiệt hại rất lớn vì các yếu tố trong hệ sinh thái (con người, hệ thống cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chợ, siêu thị…) chưa đảm bảo để thích ứng. Hệ quả chúng ta thấy được sự là khủng hoảng về giá cả thực phẩm sau bão, hiện tượng ngập úng cục bộ, hay cây xanh đô thị gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản...

- Giáo sư đánh giá như thế nào về sự quan tâm của Công an thành phố Hà Nội khi là đơn vị đứng ra tổ chức Hội thảo khoa học "Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới - Tầm nhìn 2025"?

- Tôi đánh giá rất cao việc này. Thực tế để đảm bảo an ninh sinh thái đô thị cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, không chỉ là ngành công an. Nhưng ngành công an đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện và đưa ra ánh sáng các vi phạm mang tính bất ổn cho an ninh sinh thái đô thị, nói cách khác là bảo vệ an ninh nội địa một cách an toàn cho Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước.

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này!

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh nhận Giải Nobel Hòa bình 2007 với tư cách là một trong nhữnh thành viên của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC).

Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường và phát triển (CERED) thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, đồng thời là GS.TS danh dự Đại học Pécs (Hungary); Giảng viên thỉnh giảng Đại học San Diego State (Hoa Kỳ); Tiến sĩ khoa học danh dự Đại học East Anglia (Vương quốc Anh); Hội viên danh dự Hội đồng Doanh nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh được Hạ viện bang Hawaii (Hoa Kỳ) vinh danh về những đóng góp cho bảo vệ môi trường và khí hậu toàn cầu. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Szeged (Hungary) và bảo vệ Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary từ 1971-1986.

Ông tham gia nhiều dự án môi trường và phát triển tại Việt Nam và Đông Nam Á trong 30 năm qua, đóng góp trong nhiều chương trình quốc tế, công bố các bài báo và ấn phẩm trên nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học môi trường.