Góp ý xây dựng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

ANTD.VN - Chiều 23-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Về tiêu chí xác định DNNVV, một số ý kiến đề nghị bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV tại để bảo đảm kỹ thuật lập pháp; đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200-300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và nên chọn 2 trong 3 tiêu chí; bổ sung quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 200 lao động nhưng chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 200 lao động và vẫn được hưởng hỗ trợ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV. Việc quy định số lao động 200 người cũng được tham khảo theo tiêu chí hướng dẫn của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP.

Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV tuân thủ các quy định pháp luật, góp phần để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH.

Một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng

Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, một số ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để DNNVV tiếp cận được nguồn vốn tín dụng vì nội dung dự thảo Luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật đã tiếp thu bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường. Để từng bước hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DNNVV.  

Về các quỹ, một số ý kiến đề nghị không nên quy định quá nhiều quỹ vì nguồn lực có hạn và để bảo đảm tính khả thi của quỹ, cần quy định rõ tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Hiện nay, dự thảo Luật chỉ quy định về ba quỹ, trong đó có hai quỹ đã được thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hai Quỹ này còn hạn chế, vì vậy cần kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động để hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, có ý kiến đề nghị không thực hiện hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tránh hỗ trợ hai lần vì các doanh nghiệp này đã được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư; cần bổ sung chính sách hỗ trợ để DNNVV được giảm giá thuê mặt bằng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến về việc doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp là doanh nghiệp lớn, đã được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, nên đã bỏ quy định về hỗ trợ thuế TNDN đối với nhóm doanh nghiệp này để tránh hỗ trợ trùng. 

Về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, một số ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định hướng dẫn, cho phép  một số DNNVV, cá nhân có ý tưởng và muốn thử nghiệm sản phẩm mới nhằm hỗ trợ họ thử nghiệm trên thực tế để hoàn thiện sản phẩm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thực tế nước ta cũng như kinh nghiệm một số nước đã có những doanh nghiệp, cá nhân có ý tưởng độc đáo, đang trong quá trình thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, có khả năng tạo ra giá trị cao khi thành công như phần mềm công nghệ, rô bốt thông minh, xe ô tô tự lái, tàu ngầm mini, lò đốt rác nhiệt độ cao… Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về hướng dẫn các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ DNNVV.

Dự thảo Luật DNNVV gồm 7 Chương, 49 Điều,  quy định các nội dung, kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.