"Góc tối" sau chủ trương xã hội hóa thiết bị y tế

ANTD.VN - Khi cơ sở khám chữa bệnh đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thì tình trạng lạm dụng chỉ định các máy móc, thiết bị y tế xã hội hóa để “tận thu” cũng diễn ra phổ biến.

"Góc tối" sau chủ trương xã hội hóa thiết bị y tế ảnh 1Nhiều trường hợp lạm dụng thiết bị, máy móc xã hội hóa trong khám chữa bệnh đã bị phát hiện

Theo các chuyên gia, chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hướng tới mục đích giúp các bệnh viện có được hệ thống máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng lạm dụng chỉ định khám chữa bệnh bằng các thiết bị máy móc xã hội hóa lại diễn ra một cách khó kiểm soát. Điều này khiến người bệnh và cơ quan bảo hiểm cùng bị “móc túi”.

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, kết quả kiểm tra thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp các bệnh viện gia tăng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật đối với các máy móc được đầu tư theo mô hình liên kết, xã hội hóa.

Ví dụ như, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình ngay sau khi thực hiện liên kết lắp đặt máy từ tháng 3-2016 đã chỉ định hơn 7.000 ca khám bảo hiểm y tế (BHYT) sử dụng dịch vụ chụp CT.

Trong đó, thanh toán theo mức giá chụp của máy xã hội hóa là gần 3.400 ca, còn theo mức giá máy chụp mà bệnh viện có sẵn là 3.650 ca. Đáng chú ý, việc chỉ định chụp đối với cả 2 máy này đều có những trường hợp không hợp lý.

Đối với thiết bị được xã hội hóa, bệnh viện này đã chỉ định cho cả những trường hợp chụp cắt lớp vi tính ổ bụng - tiểu khung thường quy, chụp cắt lớp vi tính cột sống cổ, cắt lớp vi tính nội soi ảo cây phế quản… không phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hay như Bệnh viện Nội tiết Nghệ An triển khai xét nghiệm C-Peptid trong máu trên hệ thống máy sinh hóa miễn dịch tự động liên doanh liên kết (tháng 7-2015) cho tất cả bệnh nhân tiểu đường đến khám và điều trị, đạt số lần chỉ định là 5.465 lượt, số tiền 1,7 tỷ đồng…

Các chuyên gia cho rằng, điều đáng lo là khi lợi nhuận được xếp lên hàng đầu, nhiều cơ sở y tế lạm dụng chỉ định các máy móc, thiết bị xã hội hóa để “tận thu”, phân chia lợi nhuận với công ty lắp đặt máy.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, hiện 59 tỉnh, thành đã thực hiện lắp đặt 3.422 máy xã hội hóa. Các cơ sở khám chữa bệnh lắp đặt máy móc, thiết bị xã hội hóa dưới nhiều hình thức như theo Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

Bên cạnh đó là hình thức máy do công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế cho mượn hay theo hình thức máy cho, tặng hoặc do cán bộ nhân viên góp vốn đầu tư… Và nhiều tiêu cực cũng phát sinh bởi những hình thức này.

Có trường hợp bệnh viện ký hợp đồng với công ty với nội dung ghi rõ là nếu cơ sở y tế không đảm bảo các tiêu chí ràng buộc thì đơn vị đặt máy sẽ rút máy móc về. Như vậy, người bệnh có nguy cơ bị chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp dù không cần thiết để bệnh viện đạt chỉ tiêu.

Cũng theo BHXH Việt Nam, tính riêng năm 2016, chi phí từ quỹ BHYT cho các dịch vụ y tế thực hiện bằng máy móc, thiết bị xã hội hóa tại các cơ sở khám chữa bệnh lên tới 2.101 tỷ đồng. Trong đó, chi phí chưa đúng quy định 157,8 tỷ đồng chưa tính TP.HCM và các trường hợp vượt tuyến lên các bệnh viện tuyến Trung ương…