Giúp người nghiện ma túy được chữa bệnh

ANTD.VN - Yêu cầu, cũng là mong muốn tưởng như đơn giản ấy, nhưng đối với nhiều địa bàn ở Hà Nội, lại không dễ dàng thực hiện. 

Trong bối cảnh ấy, cách làm của huyện Thanh Trì (Hà Nội), với chủ công là sự tham mưu, vào cuộc của lực lượng công an, đã giúp nhiều người nghiện được đưa đi chữa bệnh góp phần đảm bảo ANTT.

Giúp người nghiện ma túy được chữa bệnh ảnh 1Lực lượng công an cùng chính quyền xã Vĩnh Quỳnh và người dân cảm hóa người nghiện ma túy đi chữa bệnh

Từng là địa bàn “nóng”

Trưởng Công an xã Vĩnh Quỳnh, ông Nguyễn Quang Khoa chia sẻ, địa bàn từng bị đánh giá “nóng” về số người nghiện ma túy, với lúc cao điểm hơn 60 trường hợp. Căn cứ Nghị định số 221/2013-NĐ-CP, ban hành ngày 30-12-2013, quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chỉ huy CAH Thanh Trì đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp với cơ quan chức năng lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc. 

Triển khai thực hiện chỉ đạo của CAH, Ban Công an xã Vĩnh Quỳnh đã tổ chức rà soát, lập hồ sơ các trường hợp nghiện ma túy, đều  đặn hàng tuần, hàng tháng, Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT của CAH đều họp bàn với chính quyền và người dân; qua đó vận động, thuyết phục người thân của người nghiện ủng hộ, giúp đỡ thực hiện chủ trương đưa người đi cai nghiện tại trung tâm theo quy định. 

Mấy năm trở lại đây, người dân Vĩnh Quỳnh không còn lo lắng, bức xúc về tình trạng trộm cắp vặt như trước. Trưởng Công an xã Nguyễn Quang Khoa cho biết, những người nghiện lâu năm tại địa phương đã được lập hồ sơ đưa đi trung tâm cai nghiện. Nhờ đó, số vụ án hình sự giảm rõ rệt, tình trạng mất ANTT thôn xóm cũng giảm. Đáng chú ý, nhiều trường hợp sau khi đi cai nghiện bắt buộc về đã và đang từng bước cai nghiện thành công, hướng thiện.

Sát sao, nỗ lực mới đạt hiệu quả

Theo thống kê của CAH Thanh Trì, từ giữa năm 2015 đến nay, toàn huyện đã lập được 28 hồ sơ cai nghiện bắt buộc chuyển đến TAND huyện để ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc, đã đưa được 21 trường hợp đến các trung tâm cai nghiện của thành phố. Đây là con số cao so với các địa bàn khác. Điều quan trọng là đã góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm, giúp ổn định tình hình địa bàn.  

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng CAH Thanh Trì cho biết, để có thể đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc, ngay từ khi có các văn bản hướng dẫn của trung ương và thành phố, ban chỉ huy CAH đã yêu cầu lực lượng CSKV, Công an phụ trách xã nghiên cứu kỹ, đồng thời phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống ma túy các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức điều tra cơ bản, rà soát, lên danh sách toàn bộ người nghiện.

Tiếp đó, cơ quan công an tham mưu cho Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức họp tư vấn, đánh giá xem xét quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn đối với người nghiện theo Nghị định số 221/2013-NĐ-CP. Sau khi hết thời hạn quản lý giáo dục tại địa phương (từ 3 - 6 tháng), trường hợp người nghiện vẫn còn sử dụng trái phép chất ma túy, cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định. 

Nói về kinh nghiệm xử lý, đưa người nghiện đi cai bắt buộc, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phúc, Đội phó Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT cho hay, CBCS được phân công nhiệm vụ phải thực sự tâm huyết, chịu khó mày mò, nghiên cứu các tài liệu, văn bản hướng dẫn, dám nghĩ, dám làm. Sau đó, phải xây dựng quy trình chi tiết, cụ thể những việc cần làm; trực tiếp tham gia gọi, hỏi xét nghiệm người nghiện.

“Đây là lĩnh vực không mới nhưng quy trình thực hiện lại rất mới, mà nếu không sát sao, nỗ lực ngay từ ban đầu sẽ rất dễ dẫn đến việc thực hiện không hiệu quả”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Phúc nhìn nhận.

Huyện Thanh Trì đã có nhiều mô hình, cách làm như xã Vĩnh Quỳnh đối với người nghiện ma túy. Khó khăn, vướng mắc không ít, nhưng điều quan trọng nhất là cách làm, hướng đi đã được nhìn thấy. Tất cả xuất phát từ cái tâm của người thực thi nhiệm vụ, vì sự bình yên của cộng đồng.