- Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện: Không khó nhưng phải có… "trọng tài"
- Đến 2025, liên thông kết quả xét nghiệm trên toàn quốc
- Nhiều bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau
Nếu không xét nghiệm thì bác sĩ không thể có kết quả để chẩn đoán bệnh và có phương án điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, nỗi khổ của người bệnh kéo dài nhiều năm nay nằm ở chỗ những kết quả xét nghiệm mà họ đã có được ở các bệnh viện tuyến dưới, thậm chí của ngay bệnh viện lớn đều phải làm lại từ A đến Z, bởi không đủ độ “tin cậy”. Nhưng từ đầu tháng 8 này tình trạng bất hợp lý, gây phiền phức và tốn kém này hy vọng sẽ chấm dứt.
Theo đó, 38 bệnh viện Trung ương sẽ chính thức liên thông kết quả xét nghiệm. Quyết định này được người bệnh vui mừng đón nhận, bởi cùng một lúc đạt được 3 mục đích: nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “loạn” xét nghiệm, quan trọng hơn cả là giảm thiểu chi phí nhiều khi vô lý, tùy tiện và giảm phiền hà cho người bệnh. Đương nhiên, muốn đạt được liên thông kết quả xét nghiệm, đòi hỏi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đều phải có phòng thí nghiệm đảm bảo chất lượng tương đương.
Theo tính toán, khi thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm, ước tính chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải thực hiện, thì có thể giảm tới 5 triệu lượt xét nghiệm. Trong khi đó, thống kê cho thấy, các bệnh viện có xu hướng “chạy đua” xét nghiệm như một nguồn thu… được phép. Thời gian gần đây, tình trạng lạm dụng xét nghiệm đã gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là mượn cớ xét nghiệm để trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Chỉ riêng năm 2016, số lượng xét nghiệm đạt tới con số “kỷ lục” 500 triệu. Thử làm một con tính, mỗi xét nghiệm giá 50 nghìn đồng thì mỗi năm sẽ phải chi trả tới khoảng 237 tỷ đồng.
Thực hiện việc liên thông kết quả xét nghiệm của 38 bệnh viện Trung ương có thể tính được cụ thể hàng trăm tỷ đồng tiết kiệm. Song ý nghĩa và giá trị còn lớn hơn nhiều. Người bệnh sẽ giảm đáng kể tiền bạc, thời gian chầu chực chờ đợi kết quả, nhất là sẽ nhẹ được gánh nặng phiền hà, gây khó dễ trong khi trĩu nặng nỗi lo bệnh tật, tính mạng.