Giảm gánh nặng cho học trò

ANTD.VN - Đối với hầu hết học sinh ở các thành phố, đô thị, mùa hè năm nay chỉ còn đếm từng ngày ngắn ngủi. Ngày tựu trường đã được các trường ấn định vào khoảng giữa tháng 8 này. 

Chưa phải là khai giảng năm học mới nhưng học sinh, giáo viên đã phải bắt tay vào học hành nghiêm túc để “xốc” lại tinh thần, chuẩn bị hành trang bước vào năm học chính thức. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều học sinh không được tận hưởng một mùa hè vui chơi thoải mái trọn vẹn bởi thời gian đã bị cắt xén “vụn nát” do những lớp dạy thêm mọc lên khắp mọi nơi với đủ loại  hình thức.

Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT ở các tỉnh, thành phố trong mấy năm gần đây đều ban hành  quy định nghiêm cấm các trường, nhất là giáo viên không được tổ chức dạy hè trong các cơ sở giáo dục cũng như ở bất cứ địa điểm nào, dưới bất cứ hình thức nào. Quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ đến mức, ở một số thành phố, đoàn kiểm tra của ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương đã ập vào “bắt quả tang” lập biên bản xử phạt giáo viên dạy thêm ngay trước mặt các em học sinh.

Dư luận cũng đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa, bất phân thắng bại giữa hai luồng ý kiến. Một bên khẳng định không dạy thêm là đúng để đảm bảo cho học sinh được hưởng một mùa hè đúng nghĩa, không gây áp lực học tập căng thẳng cho lứa tuổi học trò, đặc biệt giảm “căn bệnh” thành tích tồn tại dai dẳng trong ngành giáo dục. Song, một luồng ý kiến lại khăng khăng cho rằng, nếu trong suốt mùa hè, học sinh không động đến sách vở, thì kiến thức sẽ… rơi rụng, học sinh mải chơi tất sẽ sao nhãng chuyện học tập. Đặc biệt là những học sinh học lực yếu, “hổng” kiến thức căn bản, nếu không tranh thủ nghỉ hè học thêm thì sẽ càng đuối, không thể đuổi kịp bạn học khi bước vào năm học mới. 

Hơn thế, “văn ôn, võ luyện” vẫn là quan niệm khó thay đổi của nhiều bậc cha mẹ. Tương tự như chuyện dạy thêm, hiện tượng vi phạm quy định của ngành giáo dục không được dạy trước cho trẻ trước khi vào lớp 1 cũng diễn ra khá phổ biến. Cho dù các chuyên gia giáo dục đã phân tích, khuyến cáo trào lưu này chỉ dẫn đến hậu quả lợi ít, hại nhiều thế nhưng, không ít phụ huynh vẫn không thể yên tâm. Nếu không cho con mình đọc thông, viết thạo, tính toán thuần thục thì vào lớp 1, trẻ chẳng khác gì không biết bơi, thả xuống nước giữa bạn học đã quen vùng vẫy.

Phải thừa nhận rằng, nhu cầu, đòi hỏi của không ít phụ huynh về dạy thêm, học trước cho con em mình là một thực tế. Thực trạng này chỉ có thể hóa giải khi chương trình giáo dục mới đi vào cuộc sống, giảm tải tiết học, giảm “nhồi nhét” kiến thức cho học sinh. Chỉ khi đó, các học sinh mới có thể giảm được gánh nặng trên vai.