Giải quyết khiếu nại, dân chưa hài lòng thì phải tổ chức đối thoại để làm rõ

ANTD.VN - Qua giám sát của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hệ thống hành chính cấp quận, huyện hay xã, phường, hầu hết Chủ tịch UBND huyện, xã đều không thực hiện đúng Luật Tiếp công dân.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, chính quyền cơ sở là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất nhưng vì nguyện vọng, khiếu nại của dân không được giải quyết ngay nên mới dẫn đến bức xúc, khiếu kiện vượt cấp.

Giải quyết khiếu nại, dân chưa hài lòng thì phải tổ chức đối thoại để làm rõ ảnh 1Bà Nguyễn Thanh Hải

70% đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan tới đất đai

- Thưa bà, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân hiện nay tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực nào?

- Mỗi tuần, Ban Dân nguyện tiếp nhận khoảng 500 đơn thư. Trong đó 70% đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, đất đai, quy trình cưỡng chế... Qua phân loại, có khoảng 10-12% là đơn thư khiếu nại, tố cáo đúng; 12-15% đơn thư khiếu nại có đúng có sai; còn lại hơn 70% là đơn thư khiếu nại tố cáo chưa đúng hoặc không có cơ sở.

- Đâu là nguyên nhân khiến đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm tỷ lệ cao như vậy, thưa bà?

- Đất nước ta đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Việc thu hồi đất đai để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước là chủ trương lớn. Vấn đề là việc thu hồi đất đai, theo quy định của Chính phủ, phải đảm bảo đền bù xứng đáng cho người dân và phải tạo công ăn, việc làm cho dân sau thu hồi đất. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất rất phức tạp. Nhiều loại đất dân đang sử dụng nhưng không có nguồn gốc rõ ràng, giấy tờ không đầy đủ, thậm chí đất đang tranh chấp… nên khi thu hồi, việc đền bù khó đáp ứng được đầy đủ sự hài lòng của dân. 

Mặt khác, thực tế triển khai, trong nhiều trường hợp cụ thể, giữa đơn vị thu hồi đất và người bị thu hồi đất không tìm được tiếng nói chung vì mức giá đền bù còn tùy thuộc vào từng mục đích của việc thu hồi đất, gây ra sự so bì giữa những người bị thu hồi đất. 

Nhiều trường hợp chính quyền địa phương đưa ra mức đền bù không phù hợp. Đặc biệt, quy trình thủ tục khi thu hồi đất, rất nhiều nơi còn chưa tuân thủ nghiêm. Chẳng hạn, theo Luật Đất đai, trước khi thu hồi đất, phải có kiểm đếm tài sản trên đất, khi thu hồi phải có quyết định thu hồi; quyết định cưỡng chế phải thông báo trước cho dân hoặc việc lập phương án đền bù phải có phê duyệt của UBND địa phương… Tuy nhiên, vì thời gian gấp gáp, vì trình độ của cán bộ cơ sở chưa cao nên quá trình thực hiện chưa tuân thủ đầy đủ, gây bức xúc cho dân.

- Liệu có tình trạng chính quyền, cán bộ cơ sở cố tình làm sai, buông lỏng quản lý hay không? Giải pháp nào để xử lý được trách nhiệm của cán bộ có sai phạm, thưa bà?

- Qua giám sát của chúng tôi ở nhiều địa phương, trong rất nhiều vụ khiếu nại tố cáo của công dân về đất đai, có lỗi do chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý. Song việc xử lý trách nhiệm của cán bộ các cấp có sai phạm, buông lỏng quản lý như vậy hiện nay còn rất hạn chế, số cán bộ bị xử lý ít và không được công khai. 

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thanh tra các cấp chưa thực hiện tốt, chưa thường xuyên hoạt động thanh tra công vụ mà chủ yếu chỉ thanh tra khi có khiếu nại, tố cáo, nghĩa là hoạt động thanh tra để phòng, chống sai phạm còn kém. Theo tôi, cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra công vụ trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai để tăng cường phòng ngừa, răn đe.

Giải quyết khiếu nại, dân chưa hài lòng thì phải tổ chức đối thoại để làm rõ ảnh 2Thực hiện tốt công tác tiếp dân, số vụ khiếu nại vượt cấp sẽ giảm

Phải tăng cường đối thoại với dân

- Thời gian vừa qua, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp liên quan đến đất đai gia tăng; một số nơi bùng phát thành các điểm nóng gây mất trật tự an toàn xã hội. Nguyên nhân do đâu, thưa bà?

- Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hết sức quan trọng, góp phần làm giảm thiểu tối đa bức xúc của người dân, từ đó hạn chế được các “điểm nóng”. Có một thực tế mà qua giám sát chúng tôi rút ra, đó là ở đâu thực hiện tốt công tác tiếp dân từ cấp cơ sở (xã, huyện) thì ở đó số vụ khiếu nại của dân sẽ giảm nhiều. Tuy vậy, đáng tiếc là số địa phương làm tốt công tác tiếp dân chưa nhiều.

Cụ thể, theo Luật Tiếp công dân, Chủ tịch xã/phường/thị trấn phải tiếp dân 1 tháng 4 lần, Chủ tịch huyện phải tiếp dân 1 tháng 2 lần và Chủ tịch tỉnh 1 tháng phải tiếp dân 1 lần. Qua giám sát, việc thực hiện tiếp công dân ở cấp tỉnh đã được chú trọng, đúng lịch, song ở cấp xã, huyện, hầu như chưa được thực hiện đầy đủ. 

Đặc biệt, chất lượng tiếp công dân cũng chưa cao. Nhiều nơi, người đứng đầu chính quyền cơ sở thường ủy quyền cho cấp phó hoặc trưởng bộ phận tiếp dân thực hiện việc này. Những người này “tiếp dân chỉ là để tiếp” thôi, tức chỉ đến nghe, ghi nhận, tiếp nhận đơn thư của dân rồi về báo cáo lại lãnh đạo chứ không có thẩm quyền giải quyết. Vì thế dân không hài lòng và đó là nguyên nhân khiến họ khiếu kiện vượt cấp.

- Ở góc độ Ban Dân nguyện, bà đề xuất những giải pháp gì để làm tốt hơn nữa công tác tiếp dân trong thời gian tới?

- Thứ nhất, phải tăng cường và thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân theo quy định. Thứ hai, chất lượng tiếp công dân phải được nâng cao theo hướng đi kèm với trách nhiệm giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân. Thứ ba, lãnh đạo chính quyền các cấp phải quan tâm đến việc tăng cường đối thoại với dân. Tức là khi dân chưa hài lòng, chưa đồng thuận với kết quả giải quyết khiếu nại của họ trước đó thì phải tổ chức đối thoại để làm rõ.

- Xin cảm ơn bà!